Khi amiđan bị viêm nhiễm nhiều lần thì chức năng này giảm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở trẻ em, viêm amiđan cấp nhiều lần có thể gây các biến chứng khác.
Amiđan là hai khối lympho nằm hai bên họng miệng, còn gọi là amiđan khẩu cái. Amiđan có vai trò tạo ra kháng thể giúp đề kháng vi trùng vào cơ thể qua vùng họng, giống như một "đồn biên phòng" có chức năng canh giữ và mang lại bình yên cho vùng hầu họng. Khi amiđan bị viêm nhiễm nhiều lần thì chức năng này giảm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở trẻ em, viêm amiđan cấp nhiều lần có thể gây các biến chứng khác như: thấp tim, viêm khớp, viêm thận. Trước đây khi kháng sinh chưa có nhiều, chỉ định cắt amiđan rất rộng rãi. Ngày nay đã có nhiều loại kháng sinh có tác dụng phổ rộng, có khả năng diệt được các loại vi khuẩn kháng Thu*c, vì vậy nên điều trị tích cực trước khi có chỉ định phẫu thuật, không nên thấy amiđan viêm là cắt.
|
Khám bệnh tại khoa tai mũi họng, BVĐK Đồng Nai |
Amiđan cần được xem xét phẫu thuật cắt bỏ khi có một trong những tình trạng sau đây:
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ do amiđan gây chèn ép đường thở.
- Amiđan quá phát gây khó nuốt, nói ngọng, ngủ ngáy.
- Amiđan viêm mạn tính bộc phát cấp tính trên năm lần trong một năm.
- Viêm amiđan có biến chứng áp xe quanh amiđan, thấp tim, viêm khớp, viêm thận.
- Viêm amiđan mạn hốc mủ, có bã đậu gây hôi miệng thường xuyên.
Về lứa tuổi, chỉ cắt amiđan khi trẻ trên 8 tuổi (trừ trường hợp dưới 8 tuổi nhưng amiđan quá lớn gây khó ngủ, ngưng thở), cắt quá sớm sẽ giảm khả năng miễn dịch. Người lớn không giới hạn tuổi, có thể ở tuổi 50-60. Nhưng ở người có tuổi, mạch máu bị xơ nên khi cắt khả năng chảy máu. Không cắt amiđan ở người có bệnh máu khó đông như Hemophilie, bệnh nhân đang trong tình trạng viêm nhiễm như mắc bệnh lao, viêm hô hấp, cúm…
Biến chứng thường gặp nhất sau cắt amiđan là chảy máu ngay sau khi cắt, hoặc vài ngày sau bệnh nhân thấy vẫn nhổ ra máu tươi. Thông thường bác sĩ có thể xử trí cầm máu nếu bệnh nhân đến ngay bệnh viện. Sau khi cắt amiđan, bệnh nhân ăn lỏng, nguội, mềm trong khoảng thời gian 10-15 ngày tuỳ theo vết thương lành nhanh hay chậm và có thể nói chuyện bình thường sau khi cắt.
AloBacsi.vn Theo BS. Lê Thị Phương Trâm - Đồng Nai online