Âm thầm giết người
Chúng tôi đã hỏi nhiều bệnh nhân đến khám về tiêu hóa để so sánh về mối quan tâm của họ với bệnh viêm gan B và C. Với câu hỏi “Bạn biết có mấy loại viêm gan” thì có tới 80% trả lời “Tôi nghe nói nhiều đến viêm gan B, đã có B thì chắc sẽ có A, C, D gì đó nhưng tôi không biết”. Có nhiều người khi biết mình bị ung thư gan vẫn không tài nào hiểu nổi vì “Tôi đã tiêm phòng đầy đủ 5 liều vaccine viêm gan rồi”. Họ không biết rằng mình chỉ mới phòng viêm gan B mà không biết có một loại khác là viêm gan C đã âm thầm tấn công mình.
Có đến 50-70% tất cả các trường hợp ung thư gan là có liên quan tới virus viêm gan C nhưng nhiều người không hề có triệu chứng nào trong suốt cả vài chục năm. Đến khi bệnh phát ra triệu chứng thì có thể gan đã tổn thương ở mức độ nghiêm trọng.
Khoảng 50-70% bệnh nhân viêm gan do virus C sẽ chuyển thành mạn tính, ngoài ra nếu nguyên nhân gây viêm gan C mạn là do truyền máu thì sau 10 năm có tới 20% số bệnh nhân chuyển thành xơ gan, ngay cả với những thể nhẹ. Riêng với phụ nữ mang thai có viêm gan C thì nguy cơ lây truyền sang con là khoảng 20-30%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống trẻ nhỏ.
Lây nhiễm nhanh vì làm đẹp
Virus viêm gan C (HCV) là một virus lây truyền qua đường máu nhưng ngày nay tỉ lệ lây nhiễm do truyền máu rất thấp, dưới 0,01%. Ðường tiếp xúc máu nguy hiểm nhất hiện nay là dùng chung vật dụng kim tiêm chích, xăm mình, xỏ khuyên và châm cứu dùng chung dụng cụ.
Trong đời sống thường nhật, việc dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, hay dũa móng tay tuy ít nguy cơ nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm bệnh. Với viêm gan C, nguy cơ lây qua đường tình dục không cao như viêm gan B nhưng chúng thường gia rằng trong các trường hợp như đàn ông đồng tính, mại dâm, người có nhiều bạn tình, người mang bệnh lây qua đường tình dục… Các nhân viên y tế cũng có nguy cơ nhiễm bệnh vì những tai nạn nghề nghiệp như bị kim đâm hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu của người mang bệnh.
Nhưng hiện tại, xăm, xỏ khuyên, làm đẹp tại nhiều cơ sở không đảm bảo vô trùng đang là con đường lây nhiễm bệnh nhanh nhất, khiến số lượng bệnh nhân tăng nhanh trong thập kỷ qua.
50% được chữa khỏi nếu nhận biết sớm
Diễn tiến của viêm gan C mạn tính thường chậm và âm thầm nên nhiều người phát hiện bệnh khi đã có biến chứng. Chỉ khoảng 1/3 trường hợp có triệu chứng khởi đầu giống như viêm gan cấp (sốt, mệt mỏi, vàng da, đầy hơi). Còn lại thường âm thầm, chỉ biểu hiện bởi triệu chứng cơ năng chung là mỏi mệt, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, nhiều lúc có đau cơ, đau khớp hoặc nhiều lúc chỉ có cảm giác nhức mỏi chung chung.
Trong những đợt tiến triển, các triệu chứng thường phong phú và rầm rộ hơn với sốt, vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng hoặc sẫm màu, đau cơ, đau khớp; nhất là đau tức vùng gan và ngứa. Giai đoạn sau khi đã có biến chứng xơ gan các biểu hiện viêm thường giảm dần thay vào đó là các triệu chứng của xơ gan cổ trướng và suy gan. Ở một số người có triệu chứng của ung thư gan: gan rất lớn, cứng có nhiều khối u lổn nhổn. Bạn nên đi tầm soát siêu vi C khi phát hiện các triệu chứng đáng nghi.
Ở các bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C mạn tính, mục tiêu điều trị là diệt trừ virus, ức chế virus sao chép lâu dài và giảm tình trạng viêm gan. Hiện tại với các bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan C mạn tính, phác đồ điều trị chủ yếu dùng thuốc Peg – Interferon kết hợp với Ribavirin cho tỷ lệ đáp ứng virus kéo dài trên 50%. Tuy nhiên khi dùng các thuốc này cần có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của các bác sỹ và chi phí tốn kém.
Ths.BS. Nguyễn Bạch Đằng
Chủ đề liên quan: