12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Viêm gan virus là đại dịch của thế giới

(SKGĐ) Việt Nam là nước nằm trong khu vực lưu hành bệnh virus viêm gan khá cao, đặc biệt là 2 chủng viêm gan B và C.

Virus viêm gan - kẻ giết người thầm lặng

Tỉ lệ mắc virus viêm gan trong dân là rất lớn, tuy nhiên thách thức của người dân cũng như ngành y tế trong việc đối phó với căn bệnh này là việc nhiều người không hề biết mình nhiễm virus viêm gan cho đến khi bệnh đã nặng, lúc này những biện pháp cứu chữa đã muộn và rất khó khăn.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Liễu (54 tuổi, Thái Bình), nhìn chị Liễu khá gầy, đôi khi công việc đồng áng khiến chị cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, chị và mọi người chỉ nghĩ do công việc nặng nhọc, nhiều lo toan nên chị mới bị như thế. Chỉ đến khi chị thường có biểu hiện buồn nôn, da vàng vọt, người liên tục mệt mỏi, có lần chị bị ngất và mọi người đưa chị đến bệnh viện mới biết chị bị xơ gan do trước đó chị đã bị nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, khi biết bệnh thì bệnh tình của chị Liễu đã quá nặng, các biện pháp cứu chữa cũng chỉ để duy trì sự sống của chị thêm được vài tháng nữa.

May mắn hơn chị Liễu, anh Hà Văn Thắng (29 tuổi, Hưng Yên) phát hiện bị viêm gan B trong một lần đi hiến máu tình nguyện. Bình thường anh Thắng khỏe mạnh, ăn uống tốt, chỉ có cơ thể hơi gầy một chút nhưng bản thân anh Thắng và người thân đều không nghĩ anh Thắng mắc bệnh tật gì. Khi có đoàn hiến máu tình nguyện về thôn, anh Thắng cũng hào hứng tham gia, sau đó thì được báo tin là anh Thắng bị nhiễm virus viêm gan B. Anh Thắng sau đó đi khám và hiện đang điều trị, các bác sỹ cho biết trường hợp của anh Thắng phát hiện sớm là may mắn, vì như vậy việc điều trị sẽ dễ dàng và cơ hội khỏi bệnh sẽ cao hơn.

TS. Đinh Quý Lan (Chủ tịch Hội Khoa học Gan mật Việt Nam) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi căn bệnh viêm gan là kẻ giết người thầm lặng. Lý do là bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. Căn bệnh này chia làm hai loại:

- Loại thứ nhất, người bệnh không xuất hiện triệu chứng bệnh, đến khi phát hiện ra bệnh thì đã bị viêm gan nặng hoặc chuyển sang xơ gan, ung thư gan.

- Loại thứ hai, có xuất hiện một số triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, đau bụng, đại tiện, mất ngủ, da vàng, mắt vàng…

Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng rất chung chung, người bệnh có thể nhầm lẫn với thể trạng yếu hoặc các loại bệnh thông thường khác. Do vậy, nếu không để ý và được xét nghiệm viêm gan, người bệnh cũng rất dễ bỏ qua căn bệnh nguy hiểm này, và đến khi những dấu hiệu rõ ràng xuất hiện thì cũng là lúc bệnh đã nặng, khó khăn cho điều trị.

Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan cao

TS Đinh Quý Lan cho biết, hàng năm tại Việt Nam có khoảng hơn một vạn người bị ung thư gan, trong đó ung thư gan nguyên phát từ viêm gan là 90% bệnh nhân (trong đó chủ yếu là viêm gan B).

Còn theo WHO: Hiện thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm viêm gan virus B, 150 triệu người nhiễm viêm gan virus C. Hàng năm có khoảng 1 triệu người tử vong do nhiễm viêm gan virus B và C.

TS. Đinh Quý Lan cho biết, Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia ở vùng Tây của Thái Bình Dương có tỉ lệ mắc bệnh viêm gan cao. Hiện số người mắc bệnh viêm gan tại Việt Nam là khoảng 20 triệu người, trong đó chủ yếu là nhiễm virus viêm gan B và C.

Trao đổi về nguyên nhân Việt Nam có tỉ lệ mắc bệnh viêm gan cao như vậy, tiến sĩ Lan cho rằng có 2 nguyên nhân chính:

- Một là do đặc điểm khí hậu của Việt Nam tạo thuận lợi cho sự phát triển của virus viêm gan. Trong đó, khí hậu nóng ẩm rất phù hợp cho virus sinh sôi, thêm vào đó, môi sinh ô nhiễm cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng này.

Hiện tại các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu đến yếu tố thổ nhưỡng, họ đặt ra nghi vấn yếu tố thổ nhưỡng cũng có những ảnh hưởng nhất định tới sự phân bố của virus viêm gan, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

- Hai là điều kiện y tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, trình độ dân trí chưa cao nên đôi khi việc dự phòng, tiêm phòng virus viêm gan cũng chưa đạt chuẩn. Virus viêm gan B và C lại lây truyền chủ yếu qua đường máu nên tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh là rất lớn.

Hiện chúng ta chưa đủ điều kiện để tiêm phòng, tầm soát, xét nghiệm hết để phát hiện đầy đủ, toàn bộ những người nhiễm virus viêm gan trong dân. Như đã biết, bệnh viêm gan ở giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng chung chung, mơ hồ và rất dễ bị lẫn với những bệnh khác.

Vì vậy, rất nhiều người mắc bệnh viêm gan mà không biết. Chính những người này khi phát hiện bệnh đã khó điều trị, nhưng đồng thời, đó cũng chính là ổ bệnh. Do không biết mình bị mắc bệnh nên họ không có các biện pháp điều trị cũng như phòng bệnh cho người khác, do đó họ vô tình lây bệnh cho rất nhiều người xung quanh.

Nguy hiểm nữa là, một trong những con đường lây truyền virus viêm gan phổ biến nữa là lây từ mẹ sang con. Nếu người mẹ bị nhiễm virus viêm gan nhưng không biết thì nguy cơ trẻ sinh ra bị nhiễm virus viêm gan ở Việt Nam cực cao, tỷ lệ lây truyền là 90-95% nếu không có các biện pháp bảo vệ.

Tiêm phòng là cách phòng tránh viêm gan hữu hiệu nhất

TS. Đinh Quý Lan cho biết, hiện chúng ta đang xác định có 5 loại virus viêm gan chủ yếu là A, B, C, D và E. Trong đó, Việt Nam phổ biến nhất 2 loại virus viêm gan B và C, cao hơn cả là virus viêm gan B. Để phòng tránh bệnh viêm gan, cách hữu hiệu nhất là tiêm phòng. Mọi trẻ đều cần được tiêm phòng viêm gan ngay sau khi sinh, người lớn cũng nên tiêm phòng để phòng tránh căn bệnh này.

Với những địa phương vẫn duy trì tập quán sinh con tại nhà thì nên thay đổi thói quen này, cần sinh đẻ ở các cơ sở y tế để trẻ sơ sinh được tiêm phòng bệnh. Với cán bộ y tế các địa phương này cũng cần có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của căn bệnh này để mọi người thay đổi thói quen, hoặc có biện pháp khác để tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sơ sinh. Những phụ nữ mắc bệnh viêm gan cần được điều trị ổn định trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.

Cách duy nhất để biết một người có bị nhiễm virus viêm gan hay không là tiến hành các xét nghiệm. Mọi người nên chủ động làm những xét nghiệm này để xác định mình có bị viêm gan hay không. Việc điều trị viêm gan B và C có tỷ lệ thành công cao, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân sau khi điều trị ổn định thì tái phát lại, còn đa số bệnh nhân đều khỏi bệnh.

Tiến sĩ Lan nhấn mạnh, điều trị bệnh dễ nhưng người mắc bệnh cần thiết phải được điều trị, bệnh không tự nhiên mà khỏi được. Nhiều trường hợp khi chuyển nặng sẽ rất khó khăn cho việc điều trị.

Lê Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/viem-gan-virus-la-dai-dich-cua-the-gioi-16233/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY