12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Viêm khớp dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm khớp dạng thấp thường bị sưng đau, viêm và cứng các khớp. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mà còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt. Vì vậy, người bệnh cần phát hiện sớm và chữa trị kịp thời để tránh phải đối mặt với tình trạng sức khỏe giảm sút hay gặp biến chứng.

Vậy cụ thể, viêm khớp dạng thấp là gì? Làm thế nào để nhận biết bệnh và cách điều trị bệnh hiệu quả? Để tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh viêm khớp dạng thấp mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé!

1. Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể.

Bệnh thường gặp ở người trưởng thành từ 2-40 tuổi. Cụ thể, cứ 100 người trưởng thành thì có 1-5 người bị viêm khớp dạng thấp. Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.

2. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như thế nào?

Theo các chuyên gia khoa xương khớp, nếu một trong hai khớp ở chân hoặc tay bị viêm khớp dạng thấp, khả năng khớp tương tự ở chân hoặc tay kia cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Đặc trưng này được xem là cách cách giúp phân biệt giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh viêm đau khớp.

Viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày - Ảnh minh họa: Internet

Khi mới khởi phát, bệnh viêm khớp dạng thấp không chỉ đơn thuần gây đau nhức và tổn thương các khớp xương trên cơ thể, mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trên như phổi, mắt, mạch máu và tim… Từ đó khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, điển hình như đi đứng, viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây hỏng khớp, tăng nguy cơ tàn phế.

3. Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp

Rối loạn miễn dịch là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa rõ đâu là tác nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này của các tế bào bạch cầu.

Theo các nhà khoa học, yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh này vì một số gene mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh, nhưng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường. Chính sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus có thể vô tình kéo theo tình trạng viêm khớp dạng thấp xảy ra, từ đó gây đau và viêm tại đây.

4. Triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường có 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn cũng sẽ có các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp phần lớn là đau khớp và xơ cứng khớp. Và thường xảy ra nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi ngồi lâu một chỗ trong khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, bệnh cũng có một số triệu chứng khác bao gồm: Bỏng hoặc ngứa mắt, mệt mỏi, nổi nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nhịp thở ngắn, nốt sần da, yếu và sốt cao. Khớp có thể bị đỏ, sưng tấy, nóng, mềm và biến dạng khớp

5. Các đối tượng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Các chuyên gia cho rằng, một số nhóm đối tượng có thể tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong đó bao gồm:

- Phụ nữ: Theo thống kê, bệnh phổ biến và thường gặp ở phụ nữ từ 20 – 40 tuổi. Số lượng phụ nữ mang thai bị thấp khớp cao gấp 2 – 3 lần số lượng người bệnh là đàn ông

- Người ở độ tuổi trung niên: Tỷ lệ mắc bệnh ở người trưởng thành chiếm khoảng 1-5% và thường bắt đầu ở tuổi trung niên.

- Người có tiền sử gia đình mắc viêm khớp dạng thấp: Nếu trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh.

- Người có thói quen hút thuốc: Theo nhiều nghiên cứu, thói quen hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp

- Béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì dường như có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.

Bệnh phổ biến và thường gặp ở phụ nữ từ 20 – 40 tuổi. Số lượng phụ nữ mang thai bị thấp khớp cao gấp 2 – 3 lần số lượng người bệnh là đàn ông - (Ảnh minh họa: Pinterest)

6. Cách chẩn đoán viêm khớp dạng thấp phổ biến

Bạn biết không, ở giai đoạn đầu, việc chẩn đoán viêm khớp dạng thấp có thể gặp khá nhiều khó khăn vì các triệu chứng không điển hình và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên thăm khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm, từ đó kiểm soát và chữa trị bệnh tốt hơn.

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, đầu tiên các bác sĩ sẽ quan sát những dấu hiệu lâm sàng, điển hình như kiểm tra tổng quát các khớp để xem chúng có bị sưng, biến dạng hay có biểu hiện đau nhức mỗi khi vận động hay không. Nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm một vài xét nghiệm chuyên sâu điển hình như:

- Chụp MRI và chụp X-quang

- Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI và chụp X – quang… Các xét nghiệm này ngoài giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp còn giúp phát hiện tổn thương khớp do bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, viêm khớp,… gây nên.

- Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm kháng thể protein chống đông máu, xét nghiệm yếu tố thấp khớp, xét nghiệm kháng thể kháng nhân, xét nghiệm protein phản ứng C và tốc độ lắng máu (ESR), tổng phân tích tế bào máu (CBC) và xét nghiệm nhân tố dạng thấp...

7. Cách chữa viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Thực tế, bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cải thiện tình trạng viêm, giảm thiểu rủi ro suy giảm chức năng hoạt động và biến dạng khớp, làm chậm quá trình tổn thương khớp làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống bằng các biện pháp như:

- Thuốc trị viêm khớp dạng thấp: Các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như: Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) Corticosteroid; Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD); Thuốc ức chế miễn dịch:

- Vật lý trị liệu: Thông thường khi bị bệnh, người bệnh thuong2 được bác sĩ chỉ định thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp như:Trị liệu giảm đau bằng thủy lực, Chiếu đèn nhiệt 250W làm ấm khớp, ngâm nước ấm…

- Phẫu thuật: Nếu thuốc không thể cải thiện hay ngăn ngừa các tổn thương do viêm khớp dạng thấp mang lại, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để khôi phục khả năng sử dụng khớp. Một số kỹ thuật phẫu thuật có thể kể đến như: Phẫu thuật nội soi, sửa chữa gân, phẫu thuật chỉnh trục, thay thế toàn bộ khớp...

- Tập luyện chống co rút gân, dính khớp, teo cơ. Các bác sĩ thường khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, tăng dần, tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn - (Ảnh minh họa: Ebay)

8. Biến chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp nếu không được kiểm soát sớm có thể chuyển biến và gây các biến chứng nguy hiểm sau đây:

- Loãng xương: Viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nếu không chữa trị đúng cách và đúng thời điểm.

- Hình thành các nốt sần trên khớp (nốt thấp khớp): Những nốt sần cứng thường hình thành ở các điểm áp lực xung quanh khớp như khuỷu tay, ngón tay. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể hình thành ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, kể cả phổi.

- Nhiễm trùng: Theo các chuyên gia, bản thân viêm khớp dạng thấp cùng với thuốc điều trị bệnh có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó gia tăng tình trạng nhiễm trùng.

- Hội chứng ống cổ tay: Viêm khớp dạng thấp ở cổ tay có thể gây chèn ép dây thần kinh cổ tay dẫn đến viêm gân, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hội chứng ống cổ tay.

- Hội chứng Sjogren: Bệnh khi chuyển nặng có thể gây biến chứng hội chứng Sjogren. Đây là một rối loạn làm giảm lượng ẩm ở miệng và mắt gây khô mắt và miệng.

- Biến chứng khác: Gây ảnh hưởng đến tim, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch và viêm túi bao quanh tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây bệnh phổi (viêm và sẹo ở các mô phổi dẫn đến khó thở) hoặc ung thư hạch.

9. Phòng ngừa bệnh Viêm khớp dạng thấp

Được biết, hiện tại chưa có biện pháp nào có thể phòng viêm khớp dạng thấp. Trong trường hợp nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.

Dù vậy, bạn vẫn có thể kiểm soát tốt bệnh bằng cách:

- Tuyệt đối sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cố gắng giảm cân nếu cần thiết

- Tập thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để tìm ra những bài tập và cường độ tập luyện phù hợp.

- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng

- Lập tức đến bệnh viện nếu triệu chứng sốt cao xảy ra cùng lúc với tình trạng khớp sưng đỏ, nóng rát

- Không uống bia rượu hoặc bất kỳ thức uống chứa cồn nào khác trong quá trình điều trị

- Cần bổ xung calci, vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Nếu bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao có thể sử dụng bisphosphonates

- Nếu có thiếu máu: bổ sung acid folic, sắt, vitamin B12.

10. Viêm đa khớp dạng thấp nên ăn và kiêng gì

Những thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung nhiều là:

- Bông cải xanh, bắp cải: Hợp chất sulforaphane có trong 2 loại rau xanh này có thể làm chậm những tổn thương ở sụn khớp.

- Thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3: Có nhiều trong mỡ cá, như các loại cá thu, cá ngừ, cá hồi... Chất này có tác dụng làm giảm các triệu chứng viêm đa khớp.

- Canxi: Bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, uống sữa có hàm lượng chất béo thấp và dùng nhiều nguồn dinh dưỡng đa dạng khác nhau để cung cấp canxi.

Ngoài ra, khi bị viêm khớp dạng thấp, cần hạn chế một số loại thực phẩm khác như:

- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào: Những thức ăn này chứa nhiều chất béo bão hoà, kích thích phản ứng viêm và khiến người bệnh có cảm giác đau hơn.

- Chuối tiêu, các loại cà, thịt chó, canh cua cũng là những thức ăn không tốt với bệnh viêm khớp dạng thấp.

- Nội tạng động vật: Trong nội tạng động vật chứa nhiều photpho khi hấp thụ vào cơ thể sẽ gây mất canxi trong xương, làm cho xương trở nên kém vững chắc và dễ bị sưng viêm.

Bên cạnh việc quan tâm mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn và kiêng gì, bạn cũng nên có một lối sống lành mạnh với các bài tập thể chất phù hợp để cải thiện sức khỏe xương khớp, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống nhé!

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/viem-khop-dang-thap-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-chua-tri-32326/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY