Viêm thực quản hồi lưu (reflux oesophagitis) là tình trạng thực quản bị viêm do dịch vị có chứa acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trong một số trường hợp hiếm hoi, viêm thực quản hồi lưu có thể gặp ở bệnh nhân sau phẫu thuật (chẳng hạn như cắt dạ dày) khi mật từ dạ dày trào ngược lên thực quản tạo môi trường kiềm gây viêm. Trường hợp này thường trầm trọng và khó điều trị hơn.
Viêm thực quản hồi lưu thường xảy ra sau khi bị thoát vị khe (hiatus hernia). Viêm thực quản kéo dài trong các trường hợp mạn tính nghiêm trọng có thể làm hẹp thực quản. Khi đó cần phải nong thực quản hoặc điều trị bằng phẫu thuật.
Thật ra, thực quản còn có thể bị viêm do nuốt phải các hóa chất gây bỏng, rát, nhưng trường hợp này không gọi là viêm thực quản hồi lưu.
Nguyên nhân trực tiếp là do cơ vòng giữa thực quản và dạ dày không làm tốt chức năng “điều hành một chiều” của nó. Bình thường, cơ vòng này mở ra cho thức ăn từ thực quản đi vào dạ dày và co kín lại để ngăn không cho thức ăn từ dạ dày bị trào ngược trở lại (hiện tượng hồi lưu) khi dạ dày co bóp.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho cơ vòng không co lại hoặc co lại không đủ kín. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:
Chế độ ăn uống: nhiều thức ăn có tác dụng làm cho cơ vòng co lại yếu hơn hoặc không co, gây ra “hiện tượng hồi lưu” mà ta đã đề cập. Các loại thức ăn có tác dụng này là sô-cô-la, kẹo bạc hà, các thức ăn cay, thức ăn nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật, những trái cây chua như cam, quýt, kể cả cà chua, nước ép trái cây...Sô-cô-la và kẹo bạc hà có thể làm cho cơ vòng không co lại.
Giảm nhu động ruột. Trong trường hợp này, viêm thực quản hồi lưu thường kèm theo với nhiều triệu chứng khác nữa.
Phụ nữ đang mang thai. Đây là nguyên nhân tự nhiên, làm cho hầu hết phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng gọi là “ốm nghén”, với triệu chứng điển hình nhất là buồn nôn, nôn, ợ chua... Tình trạng này xảy ra là do khi tử cung chiếm một thể tích ngày càng lớn hơn, nó đẩy dạ dày về phía trên và bắt đầu chèn ép cơ vòng, làm cho cơ này không thể hoạt động hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, cơ thể người phụ nữ mang thai sản sinh một loại hormon có tên là progesterone, có tác dụng làm giảm sự co cơ, và do đó mà cơ vòng cũng chịu ảnh hưởng.
Những người béo phì hoặc quá cân cũng có thể bị giảm chức năng cơ vòng do sự dồn ép của lớp mỡ tích tụ quá nhiều ở vùng bụng.
Khi bị thoát vị khe, acid trong dạ dày cũng thâm nhập được vào cửa thực quản. Nguyên nhân gây thoát vị có thể là do cơn ho, nôn ói, hoặc cơn rặn khi đi tiêu, hoặc một sự gắng sức quá mức và đột ngột... Các nguyên nhân khác có thể là do thai nghén, do béo phì, hoặc do tuổi già. Rất nhiều người trên 50 tuổi bị thoát vị khe nhỏ. Trừ khi người bệnh có kèm theo các triệu chứng giảm nhu động ruột hoặc viêm thực quản làm cho bệnh trở nên phức tạp, bằng không thì không cần phải trị liệu.
Cảm giác nóng rát trong lồng ngực đôi khi lan rộng lên cổ và hướng ra cánh tay. Vì thế, những cơn đau nghiêm trọng đôi khi có thể bị nhầm lẫn với cơn đau tim.
Đau càng tăng thêm khi nằm xuống hay cúi người về phía trước. Đứng thẳng người lên có thể làm giảm bớt cơn đau, chủ yếu là nhờ tác dụng của trọng lực.
Người bệnh cảm nhận rất rõ vị chua trong miệng do độ acid của dịch vị bị trào ngược lên lẫn với một phần thức ăn. Tuy nhiên, sự cảm nhận của mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ của căn bệnh, từ những trường hợp rất nhẹ (chỉ cảm thấy có vị chua sau khi ợ lên, vì thế thường gọi là ợ chua) cho đến trung bình (vị chua kèm theo vị đắng gắt và cảm giác nóng rát trong cổ họng) hay rất nghiêm trọng (kèm theo cơn đau rát trong ngực, lan rộng, và hàng loạt các triệu chứng khác nữa).
Cơn đau thường phụ thuộc vào các bữa ăn, chẳng hạn như sau những bữa ăn quá no, hoặc quá nhiều chất béo...
Dùng một ống mềm đưa vào phần cuối của thực quản để đo nồng độ acid tại đây liên tục trong vòng 24 giờ để xác định việc acid có đi từ dạ dày lên thực quản hay không.
Xét nghiệm Bernstein: Đưa dung dịch acid loãng theo một ống mềm và nhỏ lên khoảng giữa thực quản để xác định xem có gây ra các triệu chứng tương tự hay không.
Các trường hợp nhẹ có thể dùng Thu*c kháng acid để làm giảm nhẹ triệu chứng, song song với việc loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
Chú ý đến chế độ ăn uống. Với các đối tượng béo phì hoặc quá cân cần nhắm đến việc giảm cân. Thành phần thức ăn nên giảm mạnh chất béo, các chất gia vị chua, cay, kích thích... và nói chung không nên ăn quá no. Theo dõi trọng lượng cơ thể để đảm bảo là việc giảm cân đang có tiến triển.
Không ăn vào gần thời điểm trước khi đi ngủ. Bữa ăn cuối cùng trong ngày nên được ăn sớm hơn bình thường và giảm bớt khối lượng, chọn các món ăn nhẹ, món ăn lỏng, dễ tiêu...
Hầu hết các trường hợp viêm thực quản hồi lưu có thể khỏi hẳn sau một thời gian điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và loại bỏ những tác nhân có hại như rượu, Thu*c lá...Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các triệu chứng khác lạ. Viêm thực quản kéo dài trở thành mạn tính có thể gây ra hẹp thực quản, cần điều trị bằng phẫu thuật hoặc nong thực quản.
Nguồn: Internet.