Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt báo cáo đã sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Báo cáo được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64, sinh sống tại 63 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Kết quả cho thấy, gần 63% phụ nữ Việt Nam bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, T*nh d*c, tinh thần, bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, T*nh d*c, tinh thần, bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
Theo thống kê, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 là 26,1% ít hơn so với năm 2010 là 31,5%, điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực T*nh d*c trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18-24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng các chuyên gia cho rằng đây cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề T*nh d*c và bạo lực T*nh d*c.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia cho biết phụ nữ Việt Nam đối mặt với nguy cơ bạo hành cao. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội.
Theo báo cáo điều tra cho thấy, một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực đã không tìm sự giúp đỡ từ các các cơ quan chính quyền, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà.
Đáng lưu ý, trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc T*nh d*c nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
Bà Nguyễn Thị Hà, nhấn mạnh: “Những tồn tại, thách thức này cần được sớm khắc phục với trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân trong xã hội”.
Cũng tại hội nghị, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi hỗ trợ điều tra này là để chúng ta nhận thức rõ hơn có bao nhiêu số phận đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực, cưỡng bức và quấy rối. Mỗi số liệu trong báo cáo phản ánh những trải nghiệm về bạo lực của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam khi ở nhà, ở công sở hay nơi công cộng. Báo cáo này là bằng chứng cho thấy chúng ta lắng nghe những phụ nữ đã trải qua bạo lực, chúng ta tin tưởng họ và chúng ta cần phải hành động.”
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết sau hơn 10 năm thực thi luật bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã từng bước được cải thiện: “Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi. Họ không cam chịu và sẵn sàng đấu tranh với bạo lực”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, hiện chúng ta chưa có một chiến lược truyền thông tốt để cho nạn nhân thay đổi nhận thức, vượt qua rào cản, sẵn sàng tố cáo các hành vi bạo lực gia đình. Báo cáo này cho thấy tính cấp bách của việc phá vỡ sự im lặng, nâng cao nhận thức của người dân về phạm vi của vấn đề và quan điểm rằng bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình là không thể chấp nhận được, đồng thời cần có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ.
Vì vậy, công tác trao đổi thông tin phối hợp liên ngành cần phải được tiến hành chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp nâng cao công tác truyền thông, phổ biến pháp luật sâu rộng để mọi người dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ bị bạo lực nhận thức đầy đủ, biết cách tự bảo vệ mình.