Trước đó, tối 4.4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bệnh nhân T.M.M. (nam, SN 1980, ngụ H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), nhập viện sau khi uống rượu, bị ngã và đau bụng dữ dội, bụng trướng, tiểu ra máu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân vỡ bàng quang trong phúc mạc với kích thước lỗ vỡ rất lớn - gần 8 cm.
Trong ổ bụng người bệnh, các bác sĩ phát hiện có gần 3 lít - vừa máu vừa nước tiểu. Người bệnh mất nhiều máu, được truyền 2 đơn vị máu và được phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng kiểm tra các tạng trong ổ bụng, khâu bàng quang qua nội soi. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân bình phục tốt và đang được theo dõi tại khoa Thận tiết niệu, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bàng quang là một tạng rỗng chứa nước tiểu, nằm trong tiểu khung, ngoài phúc mạc. Khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang có dạng hình cầu. Ở người lớn, dung tích bình thường khoảng từ 250 - 350 ml. Cấu trúc của thành bàng quang có nhiều cơ, tính đàn hồi cao nên trong những trường hợp đặc biệt, nó có thể tăng dung tích lên tới 300% so với bình thường. Nếu bàng quang chứa nhiều nước tiểu, bị chấn thương sẽ rất dễ bị vỡ. Bàng quang vỡ thông vào trong ổ phúc mạc, gọi là vỡ bàng quang trong phúc mạc.
Theo Ths.BS Nguyễn Đức Duy - Phó trưởng khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, vỡ bàng quang do chấn thương là một cấp cứu trong Niệu khoa. Do đó, cần chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời các tổn thương bàng quang và những thương tổn đi kèm mới có thể hạ thấp tỉ lệ Tu vong và các biến chứng do chấn thương gây ra. Trường hợp vỡ bàng quang trong phúc mạc thì bắt buộc phải phẫu thuật để khâu bàng quang và kiểm tra các tổn thương khác trong ổ bụng, dẫn lưu bàng quang.
Tuy nhiên, vỡ bàng quang có thể bị nhầm với các tổn thương khác của đường niệu. Các triệu chứng của vỡ bàng quang bao gồm: đi tiểu ra máu; đau vùng hạ vị; khó khăn hay không thể đi tiểu được. Chụp X-Quang có bơm chất cản quang, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm có thể thấy tổn thương vỡ bàng quang.
Để phòng vỡ bàng quang, chúng ta cần tránh chấn thương và tránh để bàng quang căng đầy, khi cơ thể cảm nhận thấy rất mót tiểu hay đau tức. Phái mạnh không nên cố nhịn tiểu, đặc biệt sau các cuộc nhậu để tránh vỡ bàng quang khi bị chấn thương.
Chủ đề liên quan:
bàng quang Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long căng cứng cuộc nhậu nước tiểu ổ bụng phẫu thuật vỡ bàng quang