Tình yêu và giới tính hôm nay

Vợ chồng khắc khẩu: Điềm Lành hay Dữ

(SKGĐ) Nói chuyện với người khác lúc nào cũng tán đồng ý kiến của mình, giống như đùa với bóng. Vui đấy nhưng chóng chán. - T.Calile-

Ảnh minh họa

Vợ chồng bền lâu nhờ khắc khẩu

Cứ mỗi sáng mở mắt ra, chưa kịp cho cái gì vào miệng là cả hai vợ chồng ông Sáu (Q.Tân Bình, Tp.HCM) đã ca “bài ca con cá” cho cả xóm cùng nghe và ai cũng phải ngạc nhiên về độ cãi nhau bền bỉ suốt 30 năm qua của hai ông bà.

Theo như lời bà Sáu tâm sự thì hai vợ chồng bà cũng từng trải qua ngày tháng trăng mật hạnh phúc. Những cuộc khẩu chiến giữa họ chỉ thực sự xảy ra khi ông Sáu theo đoàn hát lưu diễn thường xuyên ở tỉnh bạn còn bà thì ở nhà buôn bán. Mỗi lần về nhà, ông đều mang tiền về đưa cho vợ nhưng cũng mang theo những chuyện không vừa ý trong công việc để trút lên bà.

Mới đầu, thương chồng khổ cực, bà cũng cam tâm làm “thùng rác” để ông xả stress. Nhưng, để giải tỏa tức tối, bà Sáu chọn cách tâm sự hết chuyện đời mình cho những bạn hàng thân quen nghe. Bất cứ chuyện gì xảy ra trong gia đình ông Sáu thì cả xóm đều biết. Mà xóm dưới biết thì xóm trên cũng biết. Rồi chuyện truyền đến tai ông Sáu. Giận vợ “bẻm mém”, ông lại mắng bà té tát.

Cứ thế, cái vòng lẩn quẩn cứ xoay, những lần bị chồng càm ràm cứ diễn ra cho đến khi bà nhận ra là hễ ông đi thì thôi, ông ở nhà 10 ngày thì y như là hết 7 ngày kiếm chuyện mắng mỏ mình. Ức quá bà Sáu không chịu nổi nên cũng tuyên chiến lại. Thế là từ đó, cứ mỗi lần nghe cự cãi từ nhà bà Sáu, mọi người trong xóm đều biết ông Sáu đã về.

Người ta nói ông bà khắc khẩu, không nói hay chửi nhau là không được. Nhưng có điều lạ là tuyệt nhiên không bao giờ thấy ông bà dùng tới tay chân để kết thúc cuộc chiến tranh bằng miệng giữa hai người. Nhiều khi vừa xong một trận cãi vã long trời lỡ đất, hàng xóm đi ngang nhà đã thấy ông bà ngồi tếu táo cười với nhau, hay cùng nhau chọc ghẹo khách hàng.

Có lần ông Sáu đi theo hội đoàn đi chơi xa cả tuần, được mấy ngày ông gọi điện về nhà nói chuyện rồi cãi nhau với bà một trận kịch liệt làm ầm ĩ cả xóm dù là chỉ trên điện thoại. Hàng xóm cứ tưởng lần này chắc là hai ông bà chỉ còn có nước đem nhau ra toà ly hôn. Thế mà mấy ngày sau ông về còn mua cả một đống quà cho bà. Nhìn bà ôm đống quà mà miệng vẫn không ngớt mắng chồng là phung phí khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Chỉ có ông Sáu là cười xuề xoà: “Tụi tôi một ngày mà không cãi nhau là thấy khó chịu lắm, quan trọng là hiểu cách cãi nhau. Bả có cãi thì mới thấy bả còn nhớ và quan tâm đến tôi và ngược lại. Chứ cả hai chúng tôi mà im lặng thì lại là có vấn đề không hay xảy ra rồi”.

Im lặng là vàng?

Dự kháng phiên xử ly hôn của anh Hoàng Trọng N. và chị Nguyễn Lan H. chúng tôi mới biết thế nào là cái giá của sự im lặng

Suốt hơn một năm chung sống, anh chị đối đãi với nhau rất khách sáo. Những điều anh phật ý về chị như: chị không biết nấu ăn, không biết chăm sóc nhà cửa, quen thói trịnh thượng kiểu tiểu thư nhà giàu hay khinh người… hay những điều chị bất mãn về anh như: ăn ở xuề xòa, quá quan tâm đến anh em họ hàng, ai cũng phải có cuộc sống riêng nên không thể giúp đỡ họ mãi được… đều được cả hai cất giữ trong lòng và chưa từng được mang ra chia sẻ hay thảo luận cùng nhau. Chỉ đến khi không thể sống chung được nữa, đứng trước tòa họ mới thổ lộ tâm sự về nhau thì đã muộn. Họ đã hoàn toàn hết tình với nhau.

Gặp anh Anh Hoàng Trọng N. sau phiên xử, anh tâm sự: “Chúng tôi đến với nhau khá muộn. Khi cưới tôi đã 40 còn cô ấy cũng đã 35 tuổi. Cứ nghĩ là tuổi càng lớn thì mình sẽ hiểu và biết cách khắc chế những chuyện vụn vặt xảy ra trong cuộc sống vợ chồng. Khắc khẩu thì vợ chồng nào chẳng có, nếu biết hy sinh bỏ qua thì rồi mọi thứ cũng tốt thôi, nên chúng tôi chọn việc dĩ hòa di quý thay cho những tranh cãi. Cả cô ấy và tôi luôn cố gắng không nói nhiều với nhau. Vì sợ càng nói nhiều càng lộ ra điều trái ý dẫn đến cãi nhau. Đó quả là sai lầm. Ông bà ta xưa nay có câu “Im lặng là vàng”, nhưng với cuộc hôn nhân của tôi, im lặng lại là tội ác”.

Chuyên gia nói gì?

Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm Tư vấn Tình têu - Hôn nhân - Gia đình, Tp.HCM): Khắc khẩu chỉ là chuyện rất nhỏ trong cuộc sống vợ chồng nếu bạn biết điều khiển và đặt để nó vào vị trí nào trong cuộc sống. Nếu nhờ nó mà có thể hiểu nhau thì chẳng lẽ không cãi nhau vài lần cho vui. Còn nếu để phân chia cao thấp cái tôi trong chuyện vợ chồng thì nên loại bỏ nó ngay.

Trong trường hợp vợ chồng ông Sáu thì khắc khẩu ở đây có thể được xem là may mắn. Chứ theo thống kê của các nhà tâm lý thì cứ 10 cặp vợ chồng khắc khẩu thì có đến 7 cặp vợ chồng không thèm nhìn mặt nhau, thậm chí dắt nhau ra toà ly dị cho lẹ để khỏi phải ngứa mắt ngứa miệng khi thấy nhau!

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay có rất nhiều trường hợp vợ chồng hhắc khẩu với nhau chỉ là biểu hiện của phần nổi. Nguyên nhân sâu xa là ở bên trong của mỗi cặp vợ chồng như: Thiếu tôn trọng nhau trong cách ứng xử, không chịu lắng nghe thấu hiểu nhau, không có sự thông cảm và nhường nhịn nhau, để cái tôi của mình quá lớn… nên mới nảy sinh ra những va chạm và chuyện khắc khẩu tất yếu sẽ xảy ra.

Giống như con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng đúng thì khắc khẩu là niềm vui, còn không thì nó lại là kẻ phá bĩnh khó chịu nhất trong cuộc sống vợ chồng.

Hồng Anh (ghi)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/vo-chong-khac-khau-diem-lanh-hay-du-18105/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY