Tình yêu và giới tính hôm nay

Vụ cháy karaoke thương tâm ở Bình Dương, trang bị kỹ năng thoát hiểm để bảo vệ bản thân

Mới đây, hẳn chúng ta đều bàng hoàng trước tin tức về vụ cháy thảm khốc tại quán karaoke An Phú, Bình Dương làm 33 người chết và 10 người bị thương. Được biết nguyên nhân vụ cháy là do chập nguồn điện gây cháy từ vách (cách âm) của quán, nguồn nhiệt phát sinh nhanh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân thương vong khi xảy ra cháy, nổ chủ yếu là do mọi người còn thiếu những kỹ năng thoát hiểm cơ bản. Chính vì vậy, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân và gia đình khi có sự cố xảy ra.

Kỹ năng 1: Kỹ năng đầu tiên bạn cần có là sự bình tĩnh

Bình tĩnh khi có hỏa hoạn.

Khi bình tĩnh thì chúng ta mới có thể suy nghĩ sáng suốt, đưa ra lựa chọn đúng đắn. Nếu là đám cháy nhỏ thì lấy bình chữa cháy và phun dập lửa ngay lập tức. Nếu là đám cháy lớn thì lại càng cần phải bình tĩnh để tìm cách xử lý an toàn nhất.

Khi thấy đám cháy đang lớn dần, thông báo cho mọi người trong khu vực đang xảy ra cháy biết, cùng phối hợp dập tắt đám cháy hoặc cùng thoát nạn an toàn bằng cách hô hoán, đánh kẻng báo cháy, phát thanh trên loa…

Sau đó phải thật bình tĩnh xác định ngọn lửa và nguồn khói, ổn định tâm lý để tìm cách rời đi càng nhanh chóng và an toàn càng tốt.

Kỹ năng 2: Bò sát đất để ra ngoài

Khói trong đám cháy sẽ cản trở tầm nhìn, để tránh bị ngạt khói và dễ nhìn hơn, di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất. Trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất.

Nếu luồng khói từ trên cao hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng để tránh ngạt khí. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà chung cư thường khóa cửa sân thượng thì không nên chạy lên vì nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên.

Kỹ năng 3: Bịt mùi và miệng tránh hít phải khói

Nên bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt khí và quấn chăn thấm đẫm nước lên người để tránh cháy quần áo, bỏng da. Đồng thời, dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy, cứu nạn.

Kĩ năng 4: Nằm xuống trong trường hợp quần áo bị bắt lửa

Trong trường hợp quần áo bị cháy, hãy dừng di chuyển, nằm xuống và trở mình liên tục cho đến khi ngọn lửa được dập tắt, đồng thời che mặt càng nhiều càng tốt. Không được chạy vì gió sẽ làm lửa cháy nhiều hơn. Không nhảy xuống bể bơi, hồ bơi hoặc bể nước vì nước có thể đã bị ngọn lửa làm nóng.

Kỹ năng 5: Cẩn trọng khi mở cửa

Nếu muốn mở cửa, hãy cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở. Khi mở cửa, cần tránh sang một bên để tránh trường hợp lửa tạt vào người. Nếu không thể vào một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh. Để tránh tạm thời và chờ đội cứu hộ đến. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh.

Kỹ năng 6: Không trốn trong nhà vệ sinh

Một thực tế là khi xảy ra hỏa hoạn, nhiều người có thói quen chạy thẳng vào nhà vệ sinh mong sống sót mà không biết có thể sẽ mang lại hậu quả xấu hơn.

Theo lực lượng phòng cháy, chữa cháy, nhà vệ sinh chính là nơi mà nếu bị bao trùm bởi khói lửa, nạn nhân chạy vào đó để cố thủ, nguy cơ tử vong rất cao.

Với những đám cháy có khỏi, khí độc việc cố thủ trong nhà vệ sinh không giúp thoát khỏi tác động. Ngược lại phòng vệ sinh nhỏ và không đủ không khí để duy trì sự sống nếu đám cháy xảy ra trong thời gian dài thi có thể dẫn đến ngạt khí.

Người dân chỉ nên chạy vào nhà vệ sinh để nhúng khăn ướt, làm ướt chăn, quần áo để tìm phương án thoát ra ngoài, không nên cố thủ trong đó.

Kỹ năng 7: Không sử dụng thang máy khi có cháy

Khi thoát ra ngoài phòng, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy, không sử dụng thang máy để thoát nạn vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng. Bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ.

Kỹ năng 8: Làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, đội cứu hộ

Khi có lực lượng đến cứu, bạn phải bình tĩnh, chú ý làm theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và đội ngũ cứu hộ.

Nếu xảy ra cháy, nổ tại những nơi tập trung đông người như trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim… việc đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên hướng dẫn để thoát ra khỏi tòa nhà qua các lối thoát nạn thuông thường như cầu thang bộ, nơi có đèn Exit (Lối ra). Đây là những nơi thoát nạn an toàn nhất.

Kỹ năng 9:

Trong trường hợp nhà ở tầng thấp, bạn có thể tìm cách nhảy xuống dưới đất bằng cách nối các loại chăn mỏng thành dây dài.

Kỹ năng 10:

Mỗi gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để tự chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Đồng thời, mở lối cửa thoát hiểm ra ngoài trên các chuồng cọp, lồng sắt, ban công và không sắp xếp hàng hóa, đồ đạc, tài sản cản trở lối thoát nạn.

Với những kỹ năng thoát hiểm khi có cháy trên, hy vọng các bạn sẽ có thêm kiến thức để có thể tự bảo vệ chính mình và người thân khi gặp phải hỏa hoạn.

Xem thêm: 9 bước nấu ăn an toàn tránh hỏa hoạn, phải làm gì khi lửa bén vào quần áo?

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/vu-chay-karaoke-thuong-tam-o-binh-duong-trang-bi-ky-nang-thoat-hiem-de-bao-ve-ban-than-36012/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY