Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 76 của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra số 602 của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, có 23 đơn vị tiến hành tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường. Đến thời điểm báo cáo (22.7.2020) đã có 14/23 đơn vị đã tổ chức kiểm điểm gồm 2 chủ tịch, 6 phó chủ tịch UBND tỉnh và 6 thành viên UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý điều hành giai đoạn 2011 - 2017, đều nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cụ thể, 2 chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Văn Thi, ông Phạm Vũ Hồng; 6 phó chủ tịch tỉnh gồm: bà Lê Thị Minh Phụng, ông Lê Khắc Ghi, ông Nguyễn Thanh Nghị, ông Mai Văn Huỳnh, ông Mai Anh Nhịn, ông Lâm Hoàng Sa. Có 6 thành viên UBND tỉnh gồm: ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở TN-MT; ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT; ông Nguyễn Đức Chín, Giám đốc Sở Tài chính (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh); ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc (hiện là Giám đốc Sở KH-ĐT) và ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc.
Ngoài ra, lãnh đạo ở các sở, địa phương có liên quan đến sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm gồm: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, BQL khu kinh tế Phú Quốc, Cục Thuế tỉnh, Vườn quốc gia Phú Quốc và 5 huyện: Giồng Riềng, Châu Thành, Phú Quốc, Hòn Đất, Kiên Lương.
Riêng H.Phú Quốc, nơi tập trung phần lớn các sai phạm theo kết luận thì 21 cá nhân là lãnh đạo huyện, lãnh đạo Phòng TN-MT, Phòng Quản lý đô thị và 15 chủ tịch UBND các xã, thị trấn cũng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Có 16 cán bộ, công chức có liên quan đến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng bị kiểm điểm kỷ luật. Trong đó cảnh cáo 5 cá nhân, khiển trách 11 cá nhân; điều động, luân chuyển bí thư, chủ tịch 9/10 xã, thị trấn và lãnh đạo các phòng ban chuyên môn có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, quản lý trật tự xây dựng... và chuyển đổi vị trí công tác của 8 công chức địa chính của 4 xã, thị trấn.
Chiều 25.8, bà Đặng Tuyết Em, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết: “Sau khi TTCP có kết luận thì UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm điểm, từng sở ngành có liên quan đi vào kiểm điểm và giao cho Thanh tra tỉnh tổng hợp báo cáo TTCP. Sau khi báo cáo thì đợi chỉ đạo của TTCP. Còn về phía tỉnh, đến giờ này Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức cho nên tỉnh chưa có chỉ đạo cụ thể”.
Chiều cùng ngày, ông Phạm Hoàng Nam, Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang, cho hay Thanh tra tỉnh chỉ theo dõi về việc thu hồi vật chất của Cục Thuế và các sở ngành có liên quan; việc theo dõi kiểm điểm thì UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ, báo chí nên liên hệ với Sở Nội vụ. “Do chưa nắm được tình hình kết quả việc thực hiện kiểm điểm nên tôi không có bình luận gì về hình thức kiểm điểm”, ông Nam nói.
Trước đó, vào cuối tháng 5.2020, Thanh Niên từng đăng tải loạt bài Đảo ngọc Phú Quốc bị “băm nát” như thế nào?, Thả nổi quản lý rừng, loạn phân lô đất nông nghiệp, Yêu cầu thu hồi nộp ngân sách hơn 2.300 tỉ đồng phản ánh hàng loạt sai phạm đất đai tại Phú Quốc.