Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Vũng lầy Covid-19 với Đức

Số ca nhiễm mới mỗi ngày khoảng 10.000, chương trình tiêm chủng lúng túng, phong tỏa kéo dài trong hỗn loạn, Đức như sa lầy trong đại dịch.

Điện thoại của thượng nghị sĩ Steffen Bockhahn không ngừng đổ chuông. Hầu hết người gọi muốn biết liệu họ có đủ điều kiện tiêm phòng Covid-19 hay không.

Vài ngày trước đó, Đức thay đổi tiêu chuẩn tiêm vaccine, gây hoang mang và lo lắng trong cộng đồng. Các câu hỏi gửi đến thượng nghị sĩ Bockhahn tưởng như vô tận.

"Không, tôi rất tiếc nhưng chúng tôi chưa được phép tiêm chủng cho những người thuộc nhóm 2. Chỉ y tá và những nhân viên y tế khác mới được ưu tiên trong nhóm 1. Bạn phải đợi", ông trả lời một cuộc điện thoại.

Hơn hai tháng kể từ khi Đức phong tỏa hoàn toàn lần hai, người dân trên khắp đất nước mệt mỏi vì phải chờ đợi, dù đó là vaccine, tiền trợ cấp của chính phủ hay viễn cảnh "bình thường mới". Đối với người Đức, đây là tấn bi kịch.

Khi đại dịch bùng phát, quốc gia này đi đầu trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất thế kỷ. Thủ tướng Angela Merkel nhận được sự ủng hộ khi ban bố lệnh giãn cách xã hội. Công tác truy vết tiếp xúc và xét nghiệm diện rộng khiến các nước láng giềng châu Âu ghen tị. Tỷ lệ Tu vong và mắc bệnh tại nước này thuộc hàng thấp nhất lục địa. Hệ thống chăm sóc sức khỏe vận hành trơn tru. Người dân Đức tỏ ra có trách nhiệm, tuân thủ các lệnh hạn chế mà không phàn nàn quá nhiều.

Song hình ảnh này không còn nữa trong đợt bùng phát tiếp theo. Đức giờ đây sa lầy trong đại dịch như những nước khác. Đợt phong tỏa mới, khắc nghiệt hơn kéo dài trong bối cảnh hỗn loạn, những lời chỉ trích của người dân và cả những đợt biểu tình. Số ca nhiễm ngày tại Đức dao động trong khoảng 10.000 trường hợp.

Giống với nhiều nơi, nỗi sợ hãi về biến thể virus từ Anh và Nam Phi khiến kế hoạch dập dịch tưởng chừng tốt nhất sụp đổ. Chương trình tiêm chủng diễn ra một cách lúng túng. Đến nay, chỉ 3,5% người dân được tiêm liều vaccine đầu tiên, gần 2% đã tiêm cả hai liều. Đối với quốc gia từng đứng đầu châu Âu về tiềm lực kinh tế, danh tiếng, cách tổ chức và vận hành hiệu quả, đây là bước lùi trong đại dịch.

Nhân viên y tế tiêm phòng vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại thành phố Rostock. Ảnh: NY Times

Nhân viên y tế tiêm phòng vaccine covid-19 của astrazeneca tại thành phố rostock. ảnh: ny times

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy trong đợt bùng phát đầu tiên, nhiều người Đức tự hào quốc gia của họ đối phó với Covid-19 tốt hơn Mỹ hoặc Anh. Mức độ tín nhiệm giảm 11% kể từ tháng 6 đến tháng 12/2020. Người dân càng cảm thấy tồi tệ khi nhìn vào các nước láng giềng, đặc biệt là Anh, đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng bằng vaccine Pfizer. Sản phẩm có sự hợp tác của công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, thế nhưng người dân nước này vẫn mòn mỏi chờ đợi các liều tiêm được phân phối.

Chậm trễ chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt sản xuất và việc Đức cho phép Liên minh châu Âu (EU) thay mặt đàm phán mua bán vaccine. Ban lãnh đạo EU ở Brussels sau đó thừa nhận sai lầm trong cuộc thương lượng chung, song chẳng thể xoa dịu nỗi tức giận của người Đức đang chờ tiêm chủng.

Chính quyền bà Merkel đã hỗ trợ BioNTech tái thiết một cơ sở sản xuất trong tháng này, với hy vọng giảm bớt gánh nặng cho nhà máy tại Bỉ đang quá tải đơn hàng. Song sẽ mất vài tuần, thậm chí vài tháng, trước khi nguồn cung được chuyển đến các điểm tiêm. Trung tâm ở Rostock bắt đầu hoạt động cuối tháng 12, nhưng không thể đón khách trong nhiều ngày vì thiếu vaccine. Lượng liều tiêm được chuyển vào ít đến mức số bác sĩ nghỉ hưu, binh lính và tình nguyện viên địa phương vượt quá số người đến chủng ngừa.

"Chúng tôi có cả một đội ngũ tuyệt vời ở đây, họ rất đoàn kết. Họ muốn tiêm chủng cho nhiều người. Nhưng khi năng suất làm việc của bạn là 1.000 người mỗi ngày và chỉ được đón 400 người trong cả tuần thì thật chán nản", ông Steffen Bockhahn nói.

Vaccine không phải thất bại duy nhất của Đức. Các thị trưởng đang cảnh báo về sự suy thoái của khu vực nội thành nếu cửa hàng nhỏ không được phép kinh doanh trở lại. Một số bang đã mở cửa trường học, trong khi những nơi khác không làm điều tương tự. Y bác sĩ nhiều lần cảnh báo về tổn thương tâm lý lâu dài mà trẻ gặp phải khi ở nhà quá lâu.

Các phụ huynh cũng thất vọng vì con cái không được học trực tuyến. Luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của Đức ngăn người dân nước này sử dụng nền tảng học tập kỹ thuật số của Mỹ, song ứng dụng nội địa không phải lúc nào cũng hoạt động trơn tru. Ở nhiều trường công lập, giáo viên phải gửi bài tập vào email để học sinh tự ôn luyện.

Chủ doanh nghiệp nhỏ, độc lập nỗ lực tìm hiểu xem họ có được phép hoạt động hay đủ điều kiện nhận bồi thường không. Nhiều công ty vật lộn duy trì kinh doanh, số khác đã bỏ cuộc. Các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do nền kinh tế Đức sụt giảm 5% trong năm qua.

Helmuth Fromberger, chủ một studio ảnh nhỏ ở thị trấn Mühldorf của bang Bavaria, nói: "Kể từ lần phong tỏa gần nhất, tôi đã giảm bớt chi phí có thể. Nhưng tôi đã ở mức không thể cắt giảm thêm nữa".

Người dân đi bộ bên ngoài các cửa hàng bị đóng ở Berlin. Ảnh: NY Times

Người dân đi bộ bên ngoài các cửa hàng bị đóng ở Berlin. Ảnh: NY Times

Thông thường, thời điểm này trong năm, anh bận rộn chụp ảnh chân dung và lên kế hoạch cho khách hàng cưới mùa xuân hè. Năm nay, anh chỉ nhận chụp hộ chiếu, thu về khoảng 70 USD mỗi ngày. Song tiệm ảnh là cơ sở được phép hoạt động trong đợt dịch, anh không nằm trong nhóm hưởng trợ cấp của chính phủ.

Những tuần gần đây, hàng chục tiệm làm tóc trên khắp đất nước đã liên kết với nhau, khiếu nại về việc bị buộc đóng cửa. André Amberg, chủ tiệm tóc ở trung tâm thành phố Gotha, đã đệ đơn kiện chính quyền bang Thuringia. Anh phải ngừng hoạt động giữa tháng 12 và nộp đơn xin thất nghiệp.

"Đáng thất vọng nhất là tôi không thể tự quyết định cuộc sống và công việc của mình nữa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ", anh nói.

Thục Linh (Theo NY Times)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/vung-lay-covid-19-voi-duc-4238724.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY