Ảnh minh họa |
Từ “cực chẳng đã” đến chủ động có thai
Ngồi tại hành lang Viện Nhi TW, chị Nguyễn Thu Hà, 43 tuổi ôm đứa con trên tay với vẻ mặt ủ dột. Con mới 20 ngày tuổi, hai me con đã phải từ Hải Phòng lên nằm viện. Sau 9 tháng mang nặng, chị sinh con bằng phương thức mổ. Cả nhà chưa kịp mừng thì trong tháng thằng bé cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, vàng da, nôn trớ, không tăng cân.
Chị đã mang con đến Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Chị lại xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Giờ đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm mà lòng dạ chị rối bời. Mấy bà mẹ có con nằm cùng buồng bệnh với con chị Hà lắc đầu võ đoán: “Có lẽ vì cô sinh con khi quá tuổi nên nó mới thành ra như thế!”.
Chị Hoàng Thúy Nga đang công tác tại một tờ báo tại Tp.HCM. Phụ trách mảng kinh tế, chị Nga được các anh chị em phóng viên trong tòa soạn đánh giá cao ở sự xông xáo, chịu khó tìm tòi đề tài mới. Thu nhập hàng tháng của chị cũng thuộc dạng “khủng” của cơ quan, duy chỉ có điều, chả ai thấy chị đả động đến chuyện chồng con dù đã ở tuổi 41. Hình thức kém xinh có thể là lý do khiến chị chưa tìm được bến đậu.
Bẵng đi một thời gian, chị Nga đến cơ quan vui vẻ thông báo: “Chị sắp lên xe hoa!”. Đức lang quân của chị là người đã ly dị vợ và có hai con trai đến tuổi trưởng thành. Ngày chị Nga lên xe hoa về nhà chồng, cả cơ quan đến chúc phúc cho cô dâu. Mọi người càng mừng hơn cho chị là sau đám cưới vài tháng, chị đã mang thai.
Ba tháng đầu của thai kỳ, chị thủ thỉ cùng mấy chị em làm cùng ban: “Lấy chồng ở tuổi này, sợ nhiều thứ lắm, mà sinh nở là nỗi lo hàng đầu. Nhưng không con không được!”. Hôm vừa rồi, chị phải nghỉ làm dài hạn, nghe đâu bị động thai.
Trái với chị Nga, chị Nguyễn Thị Hân (Nguyễn Khởi, Q.1, Tp.HCM) sinh cô con gái út trong tình thế hoàn toàn chủ động và mong đợi. Dù đã bước vào tuổi 42, có đủ nếp, tẻ và cô con gái lớn đã bước vào đại học nhưng chị Hân vẫn muốn sinh thêm một đứa con nữa cho vui cửa vui nhà. Khi cậu con trai thứ hai bước vào lớp 9, chị Hân và chồng lên kế hoạch cho việc sinh thêm con.
Chị Huyền, người bạn thân thiết của chị Hân vẫn nhớ như in buổi tối người bạn gái gọi điện thông báo tin vui: “Mình “có” rồi! Mừng quá!”. Nghe bạn nói hồn nhiên như cô dâu mới, lòng chị Huyền cũng vui lây. Chị vẫn thầm mong cho bạn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông nhưng thoáng đâu đó vẫn len lỏi nỗi lo âu…
Sinh muộn và những nguy cơ
Nhiều nghiên cứu khẳng định, phụ nữ sinh nở tốt nhất trong độ tuổi từ 20-30 vì khi đó họ đã có độ “chín” về mặt tâm lý và thể chất. Sau tuổi này, việc mang thai sẽ khó hơn. Đặc biệt là sau 35 tuổi, ngoài vấn đề khó có thai, người ta còn thấy tần suất các vấn đề bất thường ở người mẹ khi mang thai và thai nhi đều tăng nhanh. Sau tuổi 40, thai phụ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn như:
Dị tật thai nhi: Một trong những biến chứng thường gặp nhất ở các bà bầu lớn tuổi đó là thai nhi mắc hội chứng Down. Lý do là tuổi tác làm cho các thể nhiễm sắc ở trứng không tách biệt tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng Down và nhiều bệnh khác do có nhiễm sắc thể thừa.
Ngoài ra, là các nguy cơ khác như các dị tật, bệnh bẩm sinh do sự biến đổi gen. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học ngày nay thì mọi bệnh tật, dị tật bẩm sinh đều có thể chẩn đoán từ rất sớm.
Tỉ lệ thai nhi bị bệnh Down ở phụ nữ từ 38 tuổi trở lên là 1/200, từ 40 tuổi trở lên là 1/100. |
Nguy cơ sảy thai: Những con số thống kê về sẩy thai tăng theo tuổi tác cũng cho thấy gần 15% phụ nữ bị sảy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sảy tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37; 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Vì tỷ lệ sảy cao ở những phụ nữ có tuổi, cho nên số bị sảy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.
Tác động đến quá trình lâm bồn: Sự can thiệp của y học sẽ tăng lên cùng với tuổi tác của người mẹ. Phần lớn trong số họ đều rơi vào tình trạng khó sinh và phải nhờ đến các biện pháp hộ sinh do tầng sinh môn còn chắc, sức rặn yếu hơn các sản phụ trẻ nên việc rặn không có hiệu quả cao và phải nhờ đến sự can thiệp từ bên ngoài của bác sĩ như: thúc chuyển dạ, gây tê ngoài màng cứng, kẹp forceps hay sinh chỉ huy và tỉ lệ sinh mổ cũng tăng cao khi bà bầu lớn tuổi .
Tăng biến chứng: Khi thai nghén muộn, người mẹ có nguy cơ gia tăng bệnh cao huyết áp, đái tháo đường hay u xơ tử cung. Tỷ lệ người mẹ tử vong cũng cao hơn (từ 7,8/100 người ở độ tuổi 27 lên 27/100 người ở độ tuổi từ 40 đến 44). Sau khi sinh, người mẹ cao tuổi còn có nguy cơ bị viêm tĩnh mạch hay nghẽn mạch phổi
Lời khuyên cho thai phụ “cứng” tuổi
Dù đứng trước nhiều nguy cơ nhưng sinh con và làm mẹ là quyền và thiên chức của mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, khi mang thai ở độ tuổi này, người phụ nữ cần được chăm sóc tốt hơn, cần có được thông tin cụ thể về các bất trắc của thai kỳ để giải quyết rủi ro.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, Phòng khám Đa khoa Xuân Khánh, Chương Mỹ, Hà Nội thì nếu các chị em ở độ tuổi trên 35 có thai cần khám thai thường xuyên và thực hiện các phác đồ chẩn đoán tiền sản tại các phòng khám và bệnh viện chuyên khoa để phát hiện sớm các bất thường có thể xảy ra như cao huyết áp, đái tháo đường, tiền sản giật… Việc chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước và trong thời gian mang thai sẽ giúp giảm được phần nào những nguy cơ như đã nêu. Có như vậy, niềm vui của mỗi gia đình mới được trọn vẹn.
Linh Anh
Bài viết có sự tư vấn của BS. Nguyễn Thị Xuân,
Phòng khám Đa khoa Xuân Khánh, Chương Mỹ, Hà Nội
Chủ đề liên quan: