Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 30/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho 7.264 người bao gồm nhân viên, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, người cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện.
Tính đến 11h ngày 30/3, đã có kết quả xét nghiệm của 6.650 người, trong đó có 19 trường hợp dương tính, 595 mẫu còn lại tới chiều nay sẽ có kết quả.
Trong số này 6.650 mẫu xét nghiệm có kết quả, có 19 ca dương tính gồm: 2 bệnh nhân số 86 và 87 là điều dưỡng viên (đã công bố từ ngày 20/3); 1 bệnh nhân khoa Thần kinh, 1 người nhà chăm sóc bệnh nhân, 15 người là nhân viên của Công ty Trường Sinh.
Như vậy, ngoài 2 điều dưỡng viên (các ca bệnh số 86, 87), toàn bộ các y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai được xét nghiệm có kết quả âm tính.
Đã có 6.650 trên tổng số 7.264 mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai đã có kết quả. Chưa phát hiện thêm nhân viên y tế bệnh viện dương tính.
Liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sau khi phân tích, đánh giá, đặc biệt sau khi tiến hành xét nghiệm tổng thể bệnh viện Bạch Mai để tìm nguồn lây, các chuyên gia thống nhất Công ty Trường Sinh (cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) là nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai, là ổ dịch lây lan mắc tại Bệnh viện.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện chuyên khoa nội, nên khả năng phân tuyến sang các bệnh viện Trung ương hay của Hà Nội không cao.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai hiện nay có khoảng 100 bệnh nhân nặng có nhu cầu phải chuyển từ tuyến dưới lên bệnh viện mà không thể chuyển sang các Bệnh viện khác, trong đó có khoảng 30% rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ Tu vong rất cao (trên 80%).
Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh tại Bệnh viện. Nguyên tắc tiếp nhận phải có sự trao đổi chuyên môn trước với tuyến dưới, việc vận chuyển bệnh nhân như với đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, khi vào Bệnh viện phải áp dụng biện pháp phân luồng khu cấp cứu, cử cán bộ y tế riêng để điều trị các trường hợp này…
"Trong thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả cán bộ Bạch Mai đều rất mong muốn tiếp tục vào bệnh viện cùng bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật. Điển hình như Viện Tim mạch, tất cả nhân viên y tế ở đó đều xung phong ở lại Viện để điều trị, chăm sóc bệnh nhân vì có những bệnh chỉ có bác sĩ đó mới điều trị được" - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Trên cả nước, tới chiều 30/3 ghi nhận 194 trường hợp mắc COVID-19. 5 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội (73), TP HCM (47), Vĩnh Phúc (11), Bình Thuận (9), Ninh Bình (8)...
Gần 140 bệnh nhân đang được điều trị tại 22 cơ sở khám, chữa bệnh; trong đó 3 bệnh nhân trong tình trạng nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong những ngày gần đây đã có tiến triển tốt lên; 78 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1.
So sánh tình hình dịch trên thế giới và tại Việt Nam sau 9 ngày có 100 ca mắc cho thấy, từ khi có ca nhiễm thứ 100 vào ngày 20/3, tính đến hết ngày 28/3, Việt Nam đã có 188 ca nhiễm Covid-19.
So với các nước khác trên thế giới sau 9 ngày từ ca thứ 100, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn cả những nước trong nhóm kiểm soát dịch tốt như Nhật Bản và Đài Loan với số ca tương ứng là 239 và 252.
Cũng trong khoảng thời gian 9 ngày sau ca thứ 100 này thì nhiều nước đã để dịch phát triển nhanh từ 3 đến 10 lần so với Việt Nam, với số ca mắc là 707, 1.025, 1.689 và 2.020 tương ứng với các nước Anh, Mỹ, Ý và Hàn Quốc. Riêng với Hàn Quốc, số ca mắc của quốc gia này được báo cáo rất cao trong giai đoạn trên.
Chủ đề liên quan:
bạch mai bệnh viện bệnh viện bạch mai công ty Trường Sinh Covid 19 COVID_19 điều dưỡng viên kết quả xét nghiệm mẫu xét nghiệm Nguồn lây