Tình yêu và giới tính hôm nay

Xu hướng mới - nhất định chỉ sinh một con

(SKGĐ) Đây là khẳng định của nhiều cặp vợ chồng trẻ khi họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn sinh tồn. Đó là phản xạ chống chọi với hiện tại hay là một giải pháp vững chắc cho tương lai

“Xanh mắt” vì guồng quay sinh – nuôi

Hết thời gian nghỉ sinh, chị Mai (ngụ tại ngõ 211 Khương Trung, Hà Nội, nhân viên dự toán của một công ty xây dựng) vừa từ quê lên đã được mọi người quanh xóm vây hỏi han: “Ôi, em bé dễ thương thế kia ai chả muốn sinh!”. Nghe khen con, chị vừa vui đã vội nhăn nhó: Thề không sinh nữa! Một con gái cũng kệ, hôm vào phòng sinh chị sợ tưởng chết, đau đớn hàng ngày trời. May mắn con ra đời khỏe mạnh, ít quấy khóc nhưng vẫn thấy vất vả lắm, tốn kém kinh khủng. Đứa sau biết đâu khó hơn gấp trăm lần….

Chồng chị Mai là con trai một, hiện đang làm giảng viên đại học, mặc dù cũng muốn có trai nhưng anh chần chừ: Đợi bé lớn, chắc phải chục năm nữa mới dám tính xem có nên sinh thêm không, đứng ngoài phòng sinh mình nhìn vợ, nghe vợ gào thét đã muốn đứng tim, giờ nuôi con vất vả quá! Anh vừa dạy ở trường vừa gia sư ngoài, ngày hai ca tối, ngày nào cũng ăn đủ ba bữa ở nhà cho đỡ tốn. Hai bên bố mẹ đều ở quê cũng đã có tuổi nên không đỡ đần được, chị làm ba buổi lại nghỉ một, nên lúc nào cũng khó khăn.

Không riêng gia đình chị Mai, nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay hễ nghĩ chuyện sinh con thì đã có vô vàn cái ngại bày ra. Khi báo chí đăng tải thông tin về việc tỷ lệ sinh ở nước ta giảm, khá nhiều độc giả đã vào bình luận, khẳng định có quá nhiều khó khăn làm họ không dám nghĩ tới sinh lần hai. Nhiều vợ chồng ngoài ba mươi vẫn sinh con trong nhà trọ chật chội, nghỉ thai sản ít nên vừa đi làm kiếm tiền, vừa chăm con. Ngẫm đến lương, nhiều người toát mồ hôi, tổng thu của hai vợ chồng có khi chỉ 7 – 10 triệu thì chi cho thuê nhà, điện nước, gửi trẻ, mua sữa cho con cũng gần hết.

Còn nhiều chị em phụ nữ nhớ lại ngày vượt cạn thì vẫn dựng tóc gáy, xanh mắt, nghĩ đến những đêm hôm con khóc, con ốm, vợ chồng giận dỗi cãi nhau thì cám cảnh. Nghĩ đến lúc con đi học, chọn trường, đóng học phí, dich vụ thì ai cũng tặc lưỡi “biết có kham nổi không”. Đã không còn tự tin như người xưa “trời sinh voi trời sinh cỏ”, các cặp vợ chồng bâu giờ có trăm ngàn thứ phải lo, không chỉ khốn khó vì kinh tế, họ còn sợ sự đe dọa của độc chất, dịch bệnh từ thực phẩm, môi trường đến tương lai con cái! Thế nên chỉ nghĩ đến từ “con” thì nhiều vợ chồng trẻ hiện nay thấy những gánh nặng hiện lên rõ hơn nhanh hơn cả niềm vui!

Đơn giản đó là văn minh?

Ngoài số đông người lo về gánh nặng về kinh tế, điều kiện sống thì trong tầng lớp trí thức trẻ hiện nay, lý do họ muốn sinh một con còn đơn giản vì hy vọng khiến xã hội ngày càng văn minh.

Họ vẽ ra phía tương lai trước mắt là cha mẹ ngoài thời gian chăm cho con thì cần có quyền hưởng thụ. Niềm vui của họ không chỉ là có nhiều con, quây quần bên con cái mà dành thời gian đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ, tổ chức xã hội, về già có thể thoải mái ở viện dưỡng lão. Ở đó, sự ràng buộc giữa cha mẹ và con cái ít hơn, giống như mô hình các nước phương Tây, không gánh nặng cha mẹ phải lo cho con rồi lại để con cái nặng nỗi niềm nuôi cha mẹ về già.

Nhiều người nghĩ rằng sinh một con không chỉ vì riêng về bản thân gia đình họ mà cho rằng đó còn giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Trên diễn đàn webtretho, một thành viên nickname namphuong… đã kể về cuộc sổng mình rằng: Vợ chồng tôi có kinh tế khá giả, chủ động chọn công việc nhàn tản nhưng cũng đã mua được nhà. Đứa con thứ nhất ra đời thuận lợi, không ốm đau nhưng quan điểm của vợ chồng là sinh một, nhất là chồng. Chồng tiếp xúc làm việc với người châu Âu nhiều nên anh thấy sinh một con sẽ là văn minh, vợ chồng giành thời gian vất vả cho đứa thứ hai để đi chơi, hưởng thụ cuộc sống, để cho con mình được học hành thênh thang. Chia sẻ với namphuong… một số thành viên cũng đang ở trạng thái giống chị là chỉ thích một con nhưng còn e ngại, chần chừ vì không biết đó có phải là quyết định đúng chưa?

Nghe tâm sự đứa con một

Bên cạnh những người lựa chọn chỉ sinh một con như kim chỉ nam cho đời sống hiện đại thì có một số người muốn nhưng sợ sau này con lớn lên trách bố mẹ sinh ít, để con bơ vơ không anh em, một số người sợ khi về già lại thèm song hết khả năng sinh thêm... Có người cũng đặt ra vấn đề sau này về già không có con cái nương tựa sẽ ra sao?

Lạc vào giữa những lời quyết tâm chỉ sinh một con thì tâm sự của thành viên vtnn (của webtretho) có lẽ sẽ khiến nhiều người phải nghĩ thêm lần nữa: “Em là con một. Suốt 23 năm qua em luôn cảm thấy buồn và cô đơn, trong lòng em lúc nào cũng ao ước ba mẹ ngày trước sinh thêm. Nhìn người ta có anh chị em mà thèm. Lúc nhỏ em cứ mong có người chơi cùng, có anh trai hoặc em gái, lớn lên thì nỗi buồn càng lớn khi có chuyện muốn tâm sự về tình cảm, bạn bè, em chả biết nói với ai. Ba mẹ đi làm và khoảng cách tuổi tác quá xa, em chỉ hy vọng vào bạn bè nhưng họ đâu phải lúc nào cũng bên ta như máu thịt”. Ai đã đi qua thời gian “mồ côi” anh em như vtnn có lẽ sẽ có thêm can đảm đi tới lần sinh thứ hai.

Muốn không hẳn đã làm được

Tác giả bài viết này đã làm cuộc điều tra nhỏ thì chỉ có 18% số người nói rằng nên sinh hơn một con vì niềm vui gia đình, để có thể có trai có gái, để các con có anh chị em, để con không bị tâm lý “là rốn vũ trụ” và còn là trách nhiệm cân bằng giới tính. Còn lại 82% nói muốn sinh 1 con (trong đây có người đã sinh 2 con nhưng nếu chọn lại họ chỉ sinh 1 con). Trong số này hơn phân nửa khẳng định nhất quyết sinh một dù trai hay gái, còn một số người thì nói đó là bản thân muốn nhưng chưa quyết định được vì còn phụ thuộc vào chồng/vợ và hoàn cảnh hoặc ước nguyện của song thân “thúc” xuống.

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/xu-huong-moi--nhat-dinh-chi-sinh-mot-con-15312/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY