Đột quỵ vì thiếu máu cơ tim
Chị Phạm Thu Trang 40 tuổi ở Q.10, Tp.HCM mắc bệnh suy tim bẩm sinh nhưng ở thể nhẹ nên cuộc sống của chị vẫn diễn ra bình thường. Thời gian gần đây, chị thường thấy những cơn đau nhói ở tim xuất hiện khi gắng sức để làm một việc gì đó hoặc khi xúc động. Thời gian đau chỉ kéo dài 3-5 phút nhưng cũng đủ để làm chị lo lắng. Tuần trước, chị đi khám bác sĩ thì được biết những cơn đau đó bắt nguồn từ việc thiếu máu cơ tim khiến tim co bóp khó khăn gây ra những cơn đau đột ngột.
Cùng hoàn cảnh với chị Trang, anh Nguyễn Văn Hùng 45 tuổi ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. Anh hiện đang làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu, dạo gần đây do kinh tế gặp khủng hoảng, công việc làm ăn không được thuận lợi khiến anh Hùng thường xuyên bị stress, sức khỏe xuống dốc kèm theo đó là những cơn đau nhói ở vùng ngực gần tim. Lúc đầu, những cơn đau chỉ thoảng qua không gây trở ngại gì lớn cho anh.
Nhưng sau đó, những cơn đau này xuất hiện ngày càng nhiều, chúng kéo dài âm ỉ, gây đau toàn bộ ở vùng ngực sau xương ức, lan lên hàm, vai và cánh tay trái, có lúc cơn đau kéo dài từ 10-15 phút, khiến anh Hùng phải nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, miệng mở to thở dốc mới trở lại bình thường. Nhưng do chủ quan, công việc bận rộn nên anh Hùng không có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe, chỉ tới khi anh Hùng bị ngã ngất xỉu trong nhà tắm thì cả gia đình mới hốt hoảng đưa anh nhập viện. Các bác sĩ cho biết anh Hùng bị thiếu máu cơ tim dẫn tới đột quỵ.
Xử lý cơn thiếu máu
Bạn có biết? Bệnh thiếu máu cơ tim là một bệnh khá nguy hiểm và không thể chữa khỏi dứt điểm, nó có thể gây đột quỵ khiến bệnh nhân tử vong. Chú ý: Nếu trong lúc tập luyện thấy có hiện tượng của bệnh tim mạch như chóng mặt, tức ngực, thở dốc, buồn nôn, ra mồ hôi nhiều thì cần nghỉ ngơi tại chỗ, thì nên ngừng tập và tìm chỗ thoáng mát nghỉ ngơi. |
Thiếu máu cơ tim là tình trạng mất cân bằng tạm thời giữa nhu cầu và sự cung cấp ôxy cơ tim. Bệnh có nhiều triệu chứng đau thắt ngực, nhưng triệu chứng rõ nhất là sự thay đổi trên điện tim.
Khi có cơn đau thắt ngực, người nhà cần phải xử lý ngay. Nếu không sẽ gây tổn thương vĩnh viễn. Nên đặt người bệnh trong tư thế nửa nằm nửa ngồi cho dễ thở để máu được cung cấp đầy đủ ôxy hơn. Người bệnh tuyệt đối không được đi lại, vận động; tuyệt đối không được ăn uống, kể cả uống sữa; tuyệt đối không được xoa bóp, xúc động trong lúc này vì sẽ làm thiếu máu nặng hơn.
Không được để cơn đau kéo dài quá 30 phút ngay tại nhà, mà phải khẩn trương đưa ngay người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện tối thiểu như bác sỹ nội tổng quát hoặc bác sỹ tim mạch, máy ghi điện tim, tủ thuốc cấp cứu để được xác định chính xác và được xử lý chuyên khoa...
BS. Hoàng Quốc Toàn (Khoa Tim mạch-Nội tiết, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội) cho biết: Bệnh thiếu máu cơ tim gây ra do tình trạng xơ vữa động mạch làm tắc hẹp dần các mạch máu nuôi tim dẫn đến giảm lượng máu mang ôxy và dưỡng chất đến nuôi cơ tim. Bệnh thiếu máu cơ tim là hậu quả của nhiều bệnh sau một quá trình phát triển như: tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tăng mỡ trong máu... nên thật sự không thể chữa dứt hẳn.
Những trường hợp bệnh nhân bị lên cơn đau tim, tức ngực, đột quỵ như chị Trang và anh Hùng không phải là hiếm gặp, nhiều người do thiếu hiểu biết về bệnh tật nên thường có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt làm cho các nguy cơ tăng lên.
Giảm thiểu nguy cơ
Bệnh thiếu máu cơ tim là môt bệnh không thể nào chữa dứt điểm, mà chỉ có thể giúp người bệnh loại bỏ bớt nguy cơ bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý:
1. Chế độ dinh dưỡng
Súp lơ xanh: Các nhà nghiên cứu Anh cho biết, ăn súp lơ xanh có thể giúp làm đảo ngược tác hại của bệnh tiểu đường lên các mạch máu cơ tim. Lý do, trong thành phần của loại rau này có chứa một hợp chất tên là sulforaphan giúp tăng cường các enzym bảo vệ mạch máu cơ tim và triệt tiêu các phần tử gây hại cho tim. Ngoài ra, súp lơ xanh còn có tác dụng chống viêm, giải độc cho cơ thể.
Cá hồi: Cá hồi được đánh giá là loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe con người bởi nó cung cấp lượng lớn acid béo omega-3 giúp giảm viêm, điều hòa lưu thông máu.
Bên cạnh đó ăn cá hồi còn giúp ngăn chặn mảng bám gây tắc động mạch ở tim, làm giảm nguy máu vón cục, đồng thời kiểm soát lượng cholesterol ở mức an toàn. Nên ăn các loại cá như: cá ngừ, cá mòi, cá trích ít nhất 2 lần/ tuần.
Các loại đậu: Một nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết: Người mắc bệnh tim mạch nên ăn ít nhất 4 lần/ tuần, sẽ giảm 22% nguy cơ lên cơn đau tim, đột quỵ ở người bệnh.
Nên ăn những thức ăn có chứa ít mỡ, ít đường, giảm muối, tăng cường ăn rau và những thức ăn chứa chất xơ. Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê... Vì các loại đồ uống này hưởng rất xấu đối với các bệnh gây ra những cơn thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.
Đặc biệt là chất nicotin có trong thuốc lá, nếu không bỏ thuốc lá, người bệnh có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ dẫn tới liệt toàn thân, tử vong...Và nhất thiết người bệnh phải từ bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.
2. Chế độ luyện tập
Chọn các môn thể thao phù hợp với điều kiện và sở thích như: đi bộ, chạy chậm, đạp xe, luyện khí công, thái cực quyền, bơi lội... Số lần tập từ 3-5 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.
Lượng vận động cần phải tăng từ từ, không nên tập nặng ngay từ đầu. Bình thường khi tập luyện, nhịp tim sẽ tăng từ 110-120 lần/phút, không có các hiện tượng như chóng mặt, thở dốc, đau tim... Đồng thời sau khi ngừng tập luyện 5-10 phút, nhịp tim sẽ trở lại bình thường như trước khi vận động là cách luyện tập có hiệu quả nhất.
Sinh hoạt hàng ngày phải điều độ. Đảm bảo giấc ngủ, đảm bảo tinh thần vui vẻ, tránh những xúc động về mặt tinh thần, tránh bị stress mạn tính.
Hạ Thiên
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: