Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Y tế thông minh gần hơn với người dân

Cục CNTT, Bộ Y tế vừa tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi Y tế thông minh năm 2018.

PV:Thưa ông, ngày khai mạc và khởi động cuộc thi Y tế thông minh năm 2018 tôi cũng được dự và 6 tháng sau khi khởi động, hôm nay chứng kiến lễ tổng kết và trao giải, tôi thật sự bất ngờ về thành công của cuộc thi. Là Trưởng ban tổ chức giải và được biết ông cũng là người khởi xướng và ấp ủ về một cuộc thi công nghệ thông tin dành riêng cho ngành y tế, ông có thể chia sẻ về câu chuyện “bếp núc” của cuộc thi này?

PGS – TS Trần Qúy Tường: Chuyện “bếp núc”nên kể ở nhà ( cười tươi). Nhưng xin chia sẻ với quý báo và bạn đọc một số thông tin về cuộc thi này. Thực ra ý tưởng về cuộc thi đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm y tế đã có cách đây khoảng hơn 2 năm. Khi chúng tôi trao đổi với Hội tin học Việt Nam, lãnh đạo Hội cũng rất đồng tình, nhưng chưa biết đặt tên cuộc thi là gì? Vì hiện nay cũng có rất nhiều cuộc thi tương tự đang diễn ra.

Dự nhiều hội thảo, diễn đàn về công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, giao thông thông minh… . Từ đó tôi nảy sinh ý nghĩ tại sao không là “Y tế thông minh”? Rồi trao đổi với anh em trong Cục, bàn với lãnh đạo Hội tin học Việt Nam, chúng tôi quyết định lấy tên cuộc thi là “Y tế thông minh”. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về ba trụ cột của Y tế thông minh gồm Phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, thì chúng tôi càng tự tin lấy tên cuộc thi là Y tế thông minh hơn.

PGS - TS Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục CNTT & PGS - TS Nguyễn Trường Sơn (ngoài cùng bên phải), Thứ trưởng Bộ Y tế trao giải nhất cuộc thi

Cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” hướng tới các mục tiêu đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong y tế, trong đó đặc biệt chú trọng các sản phẩm đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế đã ban hành. Đây chính là cơ sở để hướng tới việc kết nối, liên thông thông tin y tế trên toàn ngành y tế trong tương lai, hướng tới một hê thống quản lý thông tin y tế hiệu quả, minh bạch, chất lượng.

Để bảo đảm tính khách quan trong khi chấm sản phẩm, Ban tổ chức đã mời các chuyên gia về CNTT, CNTT Y tế ở các đơn vị lớn, có uy tín tham gia Ban giám khảo, như ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam đã làm Trưởng Ban giám khảo nhiều cuộc thi tin học. Ts. Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Phó Trưởng Ban giám khảo. Các ủy viên Ban Giám khảo như PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Lê Sỹ Vinh, Trưởng khoa CNTT, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông, ThS. Đặng Thanh Hùng, Trưởng Ban CNTT, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, TS. Lê Quang Đức, Nguyên Viện trưởng Viện CNTT, Viện Khoa học và công nghệ quân sự Việt Nam, ThS. Trương Xuân Thành, Trưởng phòng CNTT, Bệnh viện Hữu Nghị, TS. Trần Tùng, Cục CNTT, BS. Hà Thái Sơn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, ThS. Phạm Thành Đạt, Cục CNTT.

Ban Giám khảo chấm làm 2 vòng: vòng sơ loại và vòng chung khảo. Vòng chung khảo chấm 3 lần: chấm trên hồ sơ, khảo sát và đánh giá thực tế ở đơn vị và nghe báo cáo, giải trình trước Ban Giám khảo. Các thành viên BGK cho điểm độc lập, cuối buổi thảo luận để thống nhất đánh giá sản phẩm. Ban giám khảo xem xét cả tính pháp lý về bản quyền của sản phẩm dự thi.

Có một sản phẩm chưa có tài liệu đầy đủ về bản quyền phần mềm, nên mặc dù đã được đánh giá xong nhưng BGK cũng kiên quyết không xếp loại. Có thể khẳng định BGK đã làm việc công tâm, khách quan, trung thực và đánh giá toàn diện, chính xác về sản phẩm phần mềm dự thi. BGK đã đề xuất một giải không có trong quy chế lúc đầu là giải triển vọng nhất và Ban tổ chức họp cũng hoàn toàn nhất trí với đề xuất này. Đây là công việc góp phần quan trọng vào thành công của cuộc thi.

Rồi việc chọn mẫu cup để trao giải. Chúng tôi không thể có nguồn lực để thuê thiết kế mẫu riêng. Khi sưu tầm, chúng tôi thấy có mẫu cup trông đẹp mắt của một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi quan sát kỹ thấy có chữ Y cách điệu rất hiện đại – thể hiện ngành y tế đang đổi mới, hiện đại, trên có ngôi sao vàng- biểu trưng cho Việt Nam. Vì đặt gần ngày trao giải nên phải đến khi khai mạc Lễ trao giải, cúp mới được chuyển đầy đủ từ thành phố Hồ Chí Minh đến hội trường.

PV: Thời gian tổ chức cuộc thi chỉ kéo dài 6 tháng, thời gian như vậy liệu có đủ để các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký gửi dự thi sản phẩm? Và trong cuộc thi lần thứ II tới đây, thời gian sẽ dài hơn?

PGS – TS Trần Qúy Tường: Hồ sơ đăng ký dự thi tương đối gọn, nên các doanh nghiệp, cá nhân không mất nhiều thời gian để có thể đăng ký gửi dự thi sản phẩm. Khi khởi động cuộc thi, chúng tôi đã thông tin về cuộc thi trên nhiều phương tiện thông tin, truyền thông như báo viết, báo điện tử, trang tin điện tử của Cục, truyền hình.

Ngoài ra, chúng tôi còn có văn bản giới thiệu cuộc thi đến 63 Sở Y tế, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị, doanh nghiệp CNTT trong cả nước. Báo Sức khỏe & Đời sống cũng đã có nhiều bài giới thiệu về cuộc thi này. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo Sức khỏe & Đời sống và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã đưa tin, bài về Cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018”.

PV: Trở lại cuộc thi chúng ta vừa tổ chức tổng kết và trao giải, được biết cuộc thi không nhận tài trợ, là trưởng ban tổ chức, hẳn ông cũng lo lắng về “vật lực” để có cuộc thi thành công như hôm nay?

PGS – TS Trần Qúy Tường: Ngay từ khi bắt tay xây dựng Đề án tổ chức cuộc thi chúng tôi đã xác định tạo sân chơi lành mạnh, thật ý nghĩa. Cục Công nghệ thông tin và Hội Tin học Việt Nam cùng nhau tổ chức cuộc thi để các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân giới thiệu giải pháp hay, phần mềm tốt ứng dụng trong y tế.

Về kinh phí cuộc thi cũng là nỗi lo lớn cho Ban tổ chức cuộc thi. Tôi nhận được nhiều thông tin là có đơn vị sẵn sàng tài trợ cuộc thi và nhờ Cục “dán tem, nhãn” để giúp họ đưa sản phẩm phần mềm tiếp cận thị trường thuận lợi hơn. Tôi cho rằng nếu thực hiện như vậy kết quả cuộc thi sẽ dễ bị hiểu nhầm là “mua giải”.

Chính vì vậy, chúng tôi thống nhất trong Cục và thống nhất với Hội tin học Việt Nam là không nhận tài trợ của các đơn vị có sản phẩm dự thi. Vì vậy, kinh phí dành cho cuộc thi này rất eo hẹp. Nhưng bù lại, anh em trong Ban tổ chức và BGK cuộc thi rất vui vẻ, tích cực làm việc, đi công tác hưởng theo chế độ công tác phí của nhà nước. Là Trưởng Ban tổ chức, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn các thành viên BTC và BGK cuộc thi đã đồng tâm, hiệp lực tổ chức Cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” thành công.

Thông qua sự đánh giá khách quan, minh bạch, chính xác của Ban giám khảo để tìm kiếm, giới thiệu những giải pháp, phần mềm tốt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Qua đó cũng giúp cơ quan quản lý hoàn thiện các chính sách, các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin y tế; giúp các đơn vị y tế có lựa chọn các phần mềm tốt để ứng dụng. Đồng thời cũng là dịp để động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có giải pháp và sản phẩm phần mềm CNTT y tế tốt, góp phần từng bước xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; Khám, chữa bệnh thông minh và Quản trị y tế thông minh”.

Từ suy nghĩ,  tạo dựng sân chơi lành mạnh, bổ ích và phải thật sự khách quan, ban tổ chức chúng tôi quyết định không nhận tài trợ của các đơn vị có sản phẩm dự thi. Và, chúng tôi tuy có khó khăn đôi chút về nguồn kinh phí nhưng chúng tôi thấy rất vui vì cuộc thi đã được sự quan tâm, đón nhận của lãnh đạo Bộ Y tế, doanh nghiệp, cá nhân hào hứng gửi tác phẩm dự thi về.

PV: Cuộc thi Y tế thông minh năm 2018 đã kết thúc bằng Lễ tổng kết và trao giải đầm ấm, nói về cuộc thi năm nay, ông cho biết vắn tắt về tiêu chí xét duyệt giải như thế nào?

PGS – TS Trần Qúy Tường: Vòng loại cuộc thi có 23 đơn vị với 42 sản phẩm dự thi, đến từ các Sở Y tế, Bệnh viện và các Công ty Công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Tiêu chí chấm thi do Ban giám khảo xây dựng rất chi tiết và công phu:

1. Đáp ứng chức năng; 2. Đáp ứng Công nghệ; 3. Tính hiệu quả, tin cậy; 4.Tính tiện dụng, thẩm mỹ; 5. Tính phát triển; 6. Đánh giá của người sử dụng. Các tiêu chí đều căn cứ pháp lý theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 6110/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; và các văn bản có liên quan.

Trải qua quá trình chấm thi nghiêm túc, công minh, từ việc tiếp nhận hồ sơ tại Cục CNTT, chấm thi tại thực địa và nghe báo cáo giải trình các sản phẩm, Ban giám khảo gồm những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực CNTT và y tế đã lựa chọn ra 18 sản phẩm xuất sắc nhất của 14 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, cụ thể:

1) Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS), gồm 8 sản phẩm, đến từ: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh, Công ty TNHH Hà Thắng, Công ty cổ phần công nghệ ISOFH, Công ty cổ phần công nghệ NANOSOFT, Công ty cổ phần công nghệ ONELINK Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất thương mại & Dịch vụ Song Ân

2) Phần mềm Bệnh án điện tử (EMR), gồm 2 sản phẩm, đến từ: Công ty cổ phần CLAS HEALTHCARE, Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh

3) Phần mềm Quản lý lưu trữ và truyền tải hình ảnh số y tế (PACS), gồm 01 sản phẩm, đến từ: Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ - Trường Đại học Quy Nhơn.

4) Phần mềm Quản lý Xét nghiệm (LIS), gồm 2 sản phẩm, đến từ: Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh, Công ty cổ phần công nghệ NANOSOFT.

5) Phần mềm Quản lý trạm y tế xã (HCIS), gồm 2 sản phẩm, đến từ: Công ty TNHH Sản xuất thương mại & Dịch vụ Song Ân, Sở Y tế Đắk Lắk.

6) Phần mềm phục vụ Cộng đồng, gồm 3 sản phẩm, đến từ: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ số 1 Việt Nam (Sản phẩm Y tế thông minh EHRs); Công ty TNHH Công nghệ Đá Bạc (Sản phẩm Bookingcare- Nền tảng đặt khám bác sĩ chuyên khoa); Trung tâm Giải pháp Y tế Điện tử - Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Sản phẩm hệ sinh thái y tế VNPT).

Cuộc thi có một giải Nhất, thuộc về Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh với sản phẩm Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS). Hai giải Nhì được trao cho Công ty cổ phần công nghệ ISOFH(Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS) và Trung tâm Giải pháp Y tế Điện tử - Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Sản phẩm hệ sinh thái y tế VNPT - phần mềm phục vụ cộng đồng). Ba giải Ba được trao cho 3 đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất thương mại & Dịch vụ Song Ân (Phần mềm Quản lý trạm y tế xã (HCIS); Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh (Phần mềm Quản lý Xét nghiệm (LIS); Công ty TNHH Hà Thắng(Phần mềm Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS). Một giải triển vọng nhất được trao Công ty cổ phần CLAS HEALTHCARE (Phần mềm bệnh án điện tử - EMR). Ba giải khuyến khích được trao cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Sở Y tế Đắk Lắk và Công ty cổ phần công nghệ NANOSOFT. Đây là những phần mềm Y tế thông minh nhất và mang tính ứng dụng cao, giúp các cơ sở y tế lựa chọn được phần mềm phù hợp để triển khai. Đây chính là cơ sở để hướng tới việc kết nối, liên thông thông tin y tế trên toàn ngành y tế trong tương lai, hướng tới một hê thống quản lý thông tin y tế hiệu quả, minh bạch, chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Anh Văn ( thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/y-te-thong-minh-gan-hon-voi-nguoi-dan-n150829.html)
Từ khóa: Y tế thông minh

Chủ đề liên quan:

thông minh y tế y tế thông minh

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY