Kết quả chụp cắt lớp vi tính hôm 21/9 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho thấy bệnh nhân có thận đôi hai bên, niệu quản trái giãn đến bàng quang nhưng không rõ vị trí cắm vào đâu. Thận trái ứ nước, niệu quản giãn đường kính 13 mm trong khi bình thường là 5 mm.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thận ứ nước và tiểu không kiểm soát do niệu quản trái đôi lạc chỗ. ê kíp phẫu thuật đã cắt nối niệu quản, cắm lại niệu quản lạc chỗ vào bàng quang để giải quyết vấn đề tắc nghẽn cũng như rỉ nước tiểu liên tục.
Hiện bệnh nhân hồi phục sức khỏe, hết rỉ nước tiểu. Kết quả siêu âm thận hết ứ nước.
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, thông thường niệu quản đổ vào mặt sau của bàng quang. Hai lỗ của niệu quản cùng với cổ bàng quang tạo thành hình tam giác, gọi là vùng tam giác bàng quang. Tình trạng niệu quản cắm bất thường khỏi vùng tam giác trên được gọi là niệu quản lạc chỗ.
Niệu quản lạc chỗ là bệnh bẩm sinh, trung bình cứ 2.000 trẻ sinh ra có một trẻ mắc bệnh. Trẻ nữ bệnh nhiều hơn trẻ nam, chủ yếu là xuất phát từ cực trên thận đôi có hai niệu quản và một niệu quản cắm vị trí bất thường. Người bệnh niệu quản lạc chỗ có các triệu chứng tiểu rỉ liên tục, tiểu thành bãi bình thường.
Niệu quản lạc chỗ gây rò rỉ nước tiểu liên tục, viêm loét, nhiễm trùng cơ quan Sinh d*c, nhiễm trùng niệu kéo dài, nhiễm trùng ngược dòng, ứ mủ thận và hỏng thận phụ. Những tình trạng này có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng thận.
"Bệnh này tốt nhất là được phát hiện sớm ngay từ khi mới sinh hoặc còn nhỏ tuổi để can thiệp, tránh biến chứng và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống", bác sĩ Lộc nói. Điều trị niệu quản lạc chỗ chủ yếu là phẫu thuật để giải quyết căn nguyên.