Hôm 15/7, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết theo kịch bản tốt nhất thì vắc-xin COVID-19 sẽ có trong năm nay. Nhưng ông cho biết thêm rằng "nhiều khả năng" vắc-xin sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm 2021.
Tuy nhiên, nếu các thử nghiệm trên người thành công, vắc-xin COVID-19 có thể sẽ có vào mùa thu tới. Bộ trưởng Hancock chia sẻ: "Tất cả đều đang cố gắng hành động theo hướng kịch bản tốt nhất. Chúng tôi đang cung cấp mọi hỗ trợ trong khả năng của mình cho công ty AstraZeneca, nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford và Đại học Imperial London."
"Chúng tôi đang làm việc với các đơn vị đang nghiên cứu các loại vắc-xin tiềm năng khác trên khắp thế giới ở Mỹ, Đức và Hà Lan để đảm bảo rằng nếu họ ra mắt vắc-xin trước thì chúng tôi sẽ có thể tiếp cận được thành quả đó, nhưng phải nói rằng đây là một ngành khoa học không chính xác", Bộ trưởng Y tế Anh cho hay.
Cũng trong tháng 7 này, vắc-xin của Đại học Oxford đã cho kết quả thử nghiệm an toàn trong việc tạo phản ứng miễn dịch – thắp lên hy vọng về vắc-xin COVID-19 sẽ có vào năm tới.
Phó Giám đốc Y tế Anh, Giáo sư Jonathan Van-Tam cho biết ông "lạc quan một cách thận trọng rằng loại vắc-xin này có thể có tác dụng". Ông nghĩ rằng một số lượng liều vắc-xin có thể sẽ sẵn sàng để dùng vào cuối năm nay.
Và một loại vắc-xin có thể được đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất và ra mắt trước khi nó được các cơ quan quản lý cấp phép, tờ The Telegraph đưa tin. Nhưng Chris Whitty, Giám đốc Y tế của Anh, cho biết cơ hội chúng ta có thể tiêm vắc-xin COVID-19 đạt "hiệu quả cao" vào trước lễ Giáng sinh vẫn là rất thấp.
Chính phủ Anh cũng đảm bảo tiếp cận sớm với 90 triệu liều vắc-xin thông qua quan hệ đối tác với các công ty dược phẩm và họ cũng đang tìm cách để nắm bắt được 12 loại vắc-xin khác trên toàn cầu.
Các thử nghiệm vắc-xin trên người đã được tiến hành tại Anh chưa?
Ông Hancock cho biết một loại vắc-xin COVID-19 do Đại học Oxford phát triển đã bắt đầu được thử nghiệm trên người vào giữa tháng 4 vừa qua. Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm vắc-xin trên 6.000 tình nguyện viên khỏe mạnh, bao gồm cả nhân viên y tế.
Nghiên cứu của Đại học Oxford hiện đang theo dõi khoảng 1.000 người, một nửa trong số họ đã được tiêm vắc-xin thật. Nhưng nhóm các nhà khoa học này đang lên kế hoạch cho một nghiên cứu ở giai đoạn sau với 5.000 tình nguyện viên khác được thử nghiệm vắc-xin nhằm đưa ra kết luận cuối cùng, đồng thời hy vọng vắc-xin này sẽ được thử nghiệm ở các quốc gia khác.
Trong khi đó, Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) đã tiến hành hai thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19, do Giáo sư Robin Shattock đứng đầu.
Thử nghiệm này tham gia vào nghiên cứu lâm sàng do Đại học Oxford dẫn đầu, với các thử nghiệm được thực hiện tại nhiều trung tâm trên khắp Vương quốc Anh như tại: Oxford, Southampton, Bristol và London.
Dự kiến trong sáu tháng tới, Đại học Hoàng gia Anh sẽ tiến hành thử nghiệm loại vắc-xin đang được đơn vị này đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sản xuất – một dự án được chính phủ Anh tài trợ 22,5 triệu bảng.
Các nhà khoa học tại Đại học Oxford tin rằng họ đã tạo ra một bước đột phá trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin COVID-19 sau khi phát hiện ra rằng loại vắc-xin đang thử nghiệm của họ kích hoạt phản ứng tạo "lớp phòng thủ kép" chống lại virus nCoV.
Tờ Telegraph đưa tin, thử nghiệm giai đoạn 1 đã cho kết quả vắc-xin này tạo phản ứng miễn dịch chống lại virus nCoV. Các mẫu máu lấy từ một nhóm tình nguyện viên được tiêm vắc-xin cho thấy cơ thể họ sản xuất cả kháng thể và "tế bào T sát thủ", theo Telegraph. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh liệu vắc-xin của họ có tạo được miễn dịch lâu dài với virus corona hay không.
Có loại vắc-xin nào khác đang được thử nghiệm không?
Có khoảng 100 nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu vắc-xin COVID-19 với gần 12 nghiên cứu đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm trên người hoặc sẵn sàng để thử nghiệm. Tỷ phú Bill Gates đã cam kết tài trợ hàng trăm triệu đô la để phát triển vắc-xin thông qua Quỹ Bill và Melinda Gates.
Bên cạnh Đại học Hoàng gia Anh và Đại học Oxford, các nhà nghiên cứu khác ở Anh cũng đang nỗ lực để sản xuất vắc-xin thử nghiệm. Các chuyên gia từ Đại học Nottingham và Đại học Nottingham Trent đang chuyển giao nghiên cứu khoa học của họ cho Scancell Holdings Plc, công ty phát triển các liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư. Scancell đang điều chế một loại vắc-xin dựa trên DNA, sẽ được đưa vào cơ thể một cách an toàn, cơ thể sau đó sẽ sản xuất kháng thể và tế bào T để tiêu diệt virus.
Một loại vắc-xin tiềm năng khác cũng đang được phát triển bởi nhà sản xuất Thu*c lá British American Tobacco (BAT). Nhà sản xuất Benson và Hedges cho biết vào hôm ¼ rằng họ có thể sản xuất từ 1 đến 3 triệu liều vắc-xin mỗi tuần vào tháng 6 này nếu việc thử nghiệm diễn ra tốt đẹp, nhưng việc này sẽ cần đến sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ.
Họ tuyên bố đã tìm thấy một kháng thể có thể chống lại COVID-19 dùng cây Thu*c lá biến đổi gen để điều chế nhưng cần cơ quan dược phẩm Hoa Kỳ đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Vào ngày 17/4, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực Kinh doanh của Anh Alok Sharma cho biết Chính phủ đã thành lập một đội chuyên trách về vấn đề vắc-xin để giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin COVID-19 của nước này.
Các nhà khoa học ở Úc đã phát triển một phiên bản virus được phát triển trong phòng thí nghiệm, một bước quan trọng trong việc tạo ra vắc-xin. Trong khi đó, ở Đức, CureVac cũng đang nghiên cứu vắc-xin, với nhà đầu tư Dietmar Hopp tiết lộ rằng bước đột phá có thể xuất hiện trong sáu đến bảy tháng tới.
Nguồn: The Sun