Dinh dưỡng hôm nay

Là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng các chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng: cung cấp chế độ ăn thường và chế độ ăn uống tuỳ theo bệnh lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú, phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng, tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân,….

Ăn – Uống thế nào có lợi cho sức khoẻ mùa nóng

Thời tiết nắng, nóng, cơ thể dễ bị mệt mỏi, ăn uống kém hơn… nên dễ mắc bệnh. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bệnh tật do khí hậu gây ra bằng cách sống hợp lý, ăn uống thích hợp và điều độ…
Nguyên tắc ăn uống trong mùa hè

Chế độ ăn phải lỏng, nhiều nước, vì mùa hè mất nhiều mồ hôi nên cần một chế độ ăn nhiều nước, mềm, vừa dễ tiêu hoá, dễ hấp thu lại cung cấp thêm nước cho cơ thể. Các món nên ăn thường xuyên trong mùa hè: Cháo, súp, sữa, nước ép trái cây…

Chọn loại thức phẩm ít béo, giàu chất đạm, giàu vitamin và khoáng chất như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, đậu đỗ, rau xanh và quả chín.

Khi chế biến món ăn nên hạn chế xào, rán mà nên tăng cường các món ăn hấp, luộc, nấu canh, nên ăn nhạt.

Thực phẩm nên chọn loại tươi, ngon, tránh ăn thực phẩm đã bị ôi thiu.

Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no, không để bữa ăn cách xa nhau dễ gây tình trạng hạ đường huyết.

Nên ăn nhiều vào bữa sáng, trưa ăn vừa phải, bữa tối không nên ăn quá no, không ăn tối muộn sau 7giờ. Đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ nên giữ chế độ ăn từ 4 – 5 bữa trong một ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa đều nhau và nên thực hiện tương đối đúng giờ. Nếu trong mỗi bữa ăn không ăn được đủ số lượng cần thiết, nhất là loại tinh bột (glucid) thì nên ăn tăng thêm bữa (xen vào giữa các bữa chính), ví dụ như vào khoảng 9 giờ sáng, 4 - 5 giờ chiều.

Những thực phẩm nên và không nên ăn nhiều trong mùa hè

Những thực phẩm nên ăn: Gạo, mỳ, khoai củ, đậu đỗ, hạt sen; thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, sữa, đậu phụ; dầu thực vật; rau xanh như mồng tơi, mướp, bầu bí, rau dền, rau muống, dưa chuột, củ đậu; các loại quả chín như dưa hấu, đu đủ, cam, bưởi, chuối, thanh long…

Những thực phẩm nên hạn chế: Thực phẩm chế biến sẵn như patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hộp, thịt xông khói…; các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo, socola… sữa đặc có đường; thức ăn nhiều muối mặn như dưa cà muối, mắm tôm, mắm tép; các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, trâu, dê, ngựa; các loại phủ tạng như óc, tim, gan, thận...; thức ăn xào rán, thức ăn nhiều mỡ như thịt mỡ, mỡ lợn, mỡ gà, mỡ bò...

Không nên ăn các thức ăn tươi, sống như rau sống, gỏi cá, nem chua, tiết canh, nem chạo...

Hạn chế dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt.

Và “bí quyết” bổ sung nước

Mùa nào cơ thể cũng cần nước, nhưng mùa hè thì nhu cầu nước tăng hơn do mất nhiều mồ hôi để cơ thể điều hoà nhiệt, chống nóng... Nếu thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể vì tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần nước. Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.

Nước uống một ngày bao nhiêu là đủ?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể mất đi chừng 2,5 lít nước. Để cho cơ thể hoạt động tốt, cần uống vào một lượng nước từ 1,5 lít đến 2 lít, nghĩa là từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày, mỗi ly khoảng 250 ml. Nhu cầu nước còn lại được cung cấp từ thực phẩm ta ăn vào (nước canh, trái cây, rau tươi...). Nước cần uống nhiều hơn khi bệnh có sốt cao, mất nước, khi thời tiết nóng, đổ mồ hôi nhiều, khi tập thể thao, khi bị nôn hay tiêu chảy...

Tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nước. Uống nước quá nhu cầu cũng có thể đưa tới tình trạng ngộ độc nước, chẳng hạn khi giảm béo phì theo chế độ giảm ăn và tăng uống nước, thận không kịp bài tiết nước, nước xâm nhập tế bào, làm mất thăng bằng muối khoáng, dẫn đến rối loạn điện giải, các chức năng tế bào bị đình trệ, đưa đến hôn mê và có thể Tu vong.

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bệnh tật do khí hậu nắng nóng gây ra bằng cách sống hợp lý, ăn uống thích hợp và điều độ.

Uống như thế nào?

Sáng ngủ dậy uống 1- 2 ly nước đun sôi để nguội, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể sau một đêm không được ngụm nước nào. Uống nước vào sáng sớm còn có tác dụng làm sạch đường tiêu hoá, các thức ăn còn dư lại ở dạ dày sẽ được làm sạch. Chỉ 5 phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày, vì vậy chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn, vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá và hấp thu.

Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Trong khi vận động, làm việc, cứ khoảng nửa giờ nên uống 100-150ml nước.

Những loại nước nào tốt cho sức khoẻ?

Nước uống có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước súp... đều có thể dùng được hàng ngày.

Những loại nước uống tốt nhất cho sức khoẻ đó là:

- Nước trà xanh: Là một loại nước uống thông dụng và cũng dễ tìm trong cuộc sống hàng ngày. Đây là loại nước uống có khả năng chống chọi với các loại bệnh liên quan đến tim mạch và những bệnh lây nhiễm khác.

- Nước ép trái cây tươi: Nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo... Khi uống không nên cho thêm đường. Loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, lưu thông khí huyết.

- Các loại nước ép từ rau củ như: Củ đậu, bí xanh, nước rau má... cũng rất tốt cho cơ thể vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt, nhất là trong những ngày hè nóng bức.

- Sữa đậu nành không đường: Cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.

- Nước rau luộc: Cũng rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.

Loại nước uống tốt nhất cho con người là nước sạch tự nhiên có trong rau quả, nước băng tan hoặc nước sạch nhân tạo.

Để đảm bảo sức khoẻ chúng ta nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, các nước uống cần phải hạn chế dùng là: Nước khoáng, các loại nước ngọt có ga, các loại nước ép quả công nghiệp, cà phê, nước tăng lực, rượu, bia…

Người bệnh thận có chức năng thải khoáng kém cũng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù...

ThS. BS. Lê Thị Hải

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/an-uong-the-nao-co-loi-cho-suc-khoe-mua-nong-n143917.html)

Tin cùng nội dung

  • Chế độ ăn DASH là chế độ ăn ngăn ngừa cao huyết áp. Chế độ ăn DASH tuân thủ theo các nguyên tắc như sau: Ít muối, chất béo bão hoà, cholestorol và các chất béo khác....
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Cơ thể phản ứng tùy theo cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Hiện tượng này thường được gọi là sự liên kết giữa thể chất và tinh thần.
  • Những nhà nghiên cứu y học đang tìm hiểu hậu quả của chế độ ăn uống đối với tâm trạng cũng như sức khoẻ tinh thần. Hiện tượng này đôi lúc được gọi là mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Ví dụ như việc thiếu vitamin có làm cho con người dễ bị trầm cảm hơn không? Có phải thực phẩm chức năng chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần của người bị suy dinh dưỡng? Cần cung cấp bao nhiêu thực phẩm chức năng là đủ để cải thiện sức khoẻ tinh thần của môt người
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Ăn uống đầy đủ khi mang thai không chỉ đơn giản là bạn ăn nhiều hơn. Bạn cũng phải cân nhắc đến việc bạn ăn gì khi mang thai. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
  • Chế độ ăn, bao gồm những loại thức ăn và độ thường xuyên bạn dùng chúng, đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì sức khoẻ răng miệng. Bánh kẹo từ lâu đã được xem là có liên quan đến bệnh sâu răng, nhưng có nhiều thứ khác ngoài bánh kẹo có thể ảnh hưởng xấu tới răng. Nhiều loại thức ăn và đồ uống, đặc biệt là các loại có nhiều đường, đều thúc đẩy nhanh quá trình sâu răng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY