Biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu là sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến Tu vong do độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ Tu vong khoảng 5 - 10%.
Theo Bộ Y tế, bạch hầu rất dễ lây khi tiếp xúc gần. Để phòng lây nhiễm, cần thực hiện cách ly tại nhà đối với người tiếp xúc gần bệnh nhân bạch hầu, kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh.
Tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh (sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau…), phải thông báo ngay cho cán bộ y tế. Cơ quan y tế tiến hành xét nghiệm bạch hầu cho người tiếp xúc gần.
Với bệnh bạch hầu, “tiếp xúc gần” là người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định trong thời kỳ mắc bệnh hoặc với người lành mang trùng bao gồm: người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà; học sinh cùng lớp, cùng trường, cùng nhóm học tập; nhóm trẻ hàng xóm, anh em họ hàng cùng chơi với nhau; người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
“Tiếp xúc gần” còn là những người ngủ cùng, ăn cùng nhau, dùng chung các đồ vật ăn uống sinh hoạt trong bất cứ tình huống nào; người trong cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội, doanh trại quân đội; người ngồi cùng hàng và trước hoặc sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu hỏa, ô tô, máy bay, tàu thủy…); người chăm sóc bệnh nhân, cán bộ y tế không sử dụng trang phục phòng chống lây nhiễm trong khi khám, điều trị, chăm sóc, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế dự phòng lưu ý: “Tiếp xúc gần” còn bao gồm tất cả các trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh/người lành mang trùng trong các trường hợp khác như hôn nhau, quan hệ T*nh d*c. Đây là các tình huống rất dễ lây nhiễm bạch hầu do dễ dàng hít phải, nhiễm phải các dịch tiết có chứa mầm bệnh.