Ẩm thực hôm nay

Bắp bò ngâm xì dầu và những món ăn lạ miệng ngày Tết

Nếu bạn chưa nghĩ ra những món ăn lạ miệng ngày Tết đãi người thân và khách quý, mời tham khảo món bắp bò ngâm xì dầu và các món đặc biệt sau.
3 món dưa muối ngày Tết ăn kèm bánh chưng tuyệt ngon
Những món ngâm chua ngọt ngày Tết hấp dẫn nhất
Tham khảo cách làm các món ăn lạ miệng ngày Tết.

Các món ăn lạ miệng ngày Tết

Bên cạnh các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, xôi gấc, thịt đông, mâm cơm ngày Tết của người Việt còn có các món ăn đặc biệt nhằm gây ấn tượng với khách đến chơi nhà. Mời tham khảo cách làm một số lạ miệng ngày Tết như bắp bò ngâm xì dầu, gỏi xoài tai heo, chân gà trộn thính cho dịp Tết Nguyên đán 2020.

Bắp bò ngâm xì dầu

Bắp bò ngâm xì dầu - món ăn lạ miệng ngày Tết. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Nguyên liệu

- 1kg bắp bò (nên dùng bắp lõi rùa hoặc bắp hoa)

- Xì dầu: 250ml

- Nước trắng: 700ml

- Giấm ăn: 100ml

- Đường cát vàng: 100gr

- Gừng: 1 củ

- Tỏi: 1/2 bát ăn cơm

- Ớt hiểm cay (tùy ý)

- Hạt tiêu xanh: vài nhánh

- Sả: 2 cây

(Ảnh: Tô Hưng Giang)

Cách làm

- Bắp bò mua về rửa sạch, lọc hết phần mỡ, xơ bám xung quanh. Với bắp bò thường, nên dùng chỉ buộc chặt để phần thịt sau khi luộc xong được săn chắc hơn.

- Xếp thịt vào nồi. Thêm vào 1 thìa cà phê bột canh, 1 nhánh gừng đập dập, một khúc sả đập dập. Luộc thịt trong khoảng 30 phút là thịt chín. Không nên luộc lâu quá vì sẽ làm thịt bị nhừ, khi ngâm xong thịt bị bã, dẫn tới không giòn ngon.

- Thịt chín vớt ra bát nước đá (dùng nước đun sôi để nguội), rửa qua một lượt cho sạch rồi để thịt thật khô ráo và nguội.

- Thịt nguội cắt khúc dài khoảng 7cm để thịt dễ ngấm gia vị hơn.

- Gừng thái sợi, rửa qua một lần nước đun sôi để nguội để thật ráo nước. Tỏi thái lát mỏng, ớt cay thái lát mỏng. Nếu dùng hạt tiêu xanh thì phải rửa sạch và để thật khô ráo.

- Đun sôi phần hỗn hợp nước ngâm: 700ml nước + 250 ml xì dầu+ 100gr đường cát vàng + 100ml giấm ăn + 1/2 thìa cà phê hạt tiêu bắc giã rối (nếu có tiêu xanh thì bỏ qua tiêu khô).

Có thể nêm nếm lại hỗn hợp ngâm cho vừa miệng hơn. Để thật nguội phần nước ngâm.

- Hũ thuỷ tinh ngâm bắp bò rửa thật sạch, tráng lại nước sôi già và để thật ráo nước.

- Xếp bắp bò vào hũ thuỷ tinh, xen kẽ là một lớp tỏi gừng, ớt và tiêu xanh. Làm lần lượt đến hết và đổ ngập phần hỗn hợp xì dầu vào. Lưu ý thịt và hỗn hợp nước ngâm phải để thật nguội.

- Nếu làm vào mùa đông, bạn để lọ bắp bò bên ngoài một ngày cho ngấm gia vị, hôm sau cất ngăn mát tủ lạnh,. Nếu làm vào mua hè, cần cất vào tủ lạnh ngay, sau 5 ngày mang ra ăn được,

- Khi ăn, thái lát mỏng, rưới phần nước ngâm xì dầu lên trên, trang trí thêm gừng, tỏi, ớt hạt tiêu lên trên và thưởng thức. Món này rất thích hợp với các mâm cỗ ngày Tết.

Gỏi xoài tai heo

Món gỏi xoài tai heo. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Nguyên liệu

- 1 cái tai heo

- 1 quả xoài xanh chua

- Rau thơm: rau mùi, rau răm

- 1 quả chanh, tỏi, ớt, giấm, bột canh, nước mắm, đường, lạc rang

Cách làm

- Tai heo rửa sạch với muối và giấm, cho vào nồi luộc khoảng 15 phút vớt ra âu nước đá cho tai heo được trắng giòn. Đợi tai heo nguội hẳn, vớt ra để ráo nước và cất ngăn mát tủ lạnh khoảng 15 phút trước khi đem ra thái mỏng.

- Xoài xanh gọt vỏ đem thái sợi, hoặc thái miếng vừa ăn theo sở thích. Nên ngâm xoài vào bát nước đá lạnh để xoài được giòn, khi trộn gỏi không bị nhũn nát. Trước khi trộn vớt ra để ráo nước.

- Lạc rang chín bỏ vỏ, giã hơi dập.

- Rau thơm nhặt và rửa sạch thái nhỏ.

- Tỏi ớt băm nhỏ.

- Cách pha nước trộn nộm: Vắt 1 quả chanh, thêm 2 thìa nước mắm, 2 thìa canh đường, 1 thìa cà phê bột canh, hoà tan hỗm hợp, thêm tỏi, ớt băm.

- Cho tai heo vào bát to, ướp tai heo với vài thìa nước trộn gỏi. Đi bao tay vào bóp qua cho ngấm gia vị. Tiếp đến đổ hết chỗ xoài xanh cùng nước trộn gỏi vào trộn đều. Nêm nếm lại cho vừa ăn.

- Múc ra đĩa, rắc rau thơm và lạc rang lên.

Chân gà trộn thính

Món chân gà trộn thính. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Nguyên liệu

- 10-15 cái chân gà

- Thính gạo: 100gr

- Rau thơm: mùi ta, lá chanh và các loại rau ăn kèm

- Gia vị: nước mắm, mỳ chính, đường, tỏi, ớt quả, ớt bột Hàn Quốc

Cách làm

- Chân gà mua về rửa sạch, luộc chân gà với chút gừng, vớt ra để vào âu nước đá. Sau đó vớt ra để ráo, tốt nhất cho vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút trước khi trộn.

- Các loại rau thơm nhặt sạch, rửa sạch, riêng rau mùi ta và lá chanh để riêng.

- Trộn chân gà với chút nước mắm, bột ngọt, chút đường, tỏi băm, ớt bột Hàn Quốc. Đi bao tay vào bóp cho thật đều. Nêm nếm cho vừa miệng rồi để chân ngấm gia vị trong 15 phút.

- Rắc thính trải đều khắp chân gà, sau đó là ớt, lá chanh và rau mùi thái nhỏ. Trộn đều cho ra đĩa, ăn kèm rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt.

Tai heo cuốn

Món tai heo cuốn. (Ảnh: Tô Hưng Giang)

Nguyên liệu

- Tai heo : 3 cái

- 1 chút quế, 1 nhánh hồi, nhánh gừng nhỏ, 1 củ tỏi. Bột nêm, dầu hào, tương ớt, nước hàng, xì dầu

Cách làm

- Tai heo rửa sạch với chút muối và giấm. Cuộn tròn tai heo, cuộn từ đầu nhỏ vào rồi dùng dây gai hoặc chỉ cuốn chặt lại.

- Cho tai heo đã cuốn luộc qua với chút nước và nhánh gừng đập dập. Vớt ra rửa lại.

- Đổ nước lọc xâm sấp tai, cho gia vị: quế, hồi, bột nêm, dầu hào, xì dầu, tương ớt, nước hàng, tỏi băm dập vào nồi. Bật bếp đun sôi rồi chỉnh lửa nhỏ đun khoảng 40 phút. Trong lúc luộc tai có thể trở đều cho ngấm gia vị và thêm nước cho khỏi cạn.

- Vớt tai ra đĩa, đợi cho nguội thì để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 3-4 tiếng cho tai dính lại với nhau.

- Khi ăn, thái tai thật mỏng, chấm với tương ớt hoặc muối chanh đều hợp

- Thành phẩm phải đạt yêu cầu tai có màu nâu cánh gián, giòn, bùi, ăn không ngấy.

Mạng Y Tế
Nguồn: Thời đại (https://thoidai.com.vn/bap-bo-ngam-xi-dau-va-nhung-mon-an-la-mieng-ngay-tet-96452.html)

Tin cùng nội dung

  • Tai biến mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm với những diễn biến khôn lường. Đây là một cấp cứu y khoa tính theo giờ vàng. Tuy nhiên, đa phần là để lại di chứng. Vì vậy, giai đoạn điều dưỡng sau tai biến cũng rất trường kỳ và quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, sử dụng bài Thuốc Đông y kết hợp với Tây y chữa trị sau tai biến có thể giúp ích cho sự phục hồi của người bệnh.
  • Thịt dê được chế biến thành nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh. Trong “Tản Đà thực phẩm”, cố thi sĩ Tản Đà rất ca ngợi các món ăn từ dê; các món này ăn vừa ích khí, ôn bổ trung hạ tiêu, dùng trong trường hợp ốm yếu, đau lưng mỏi gối, sinh hoạt T*nh d*c kém, di tinh, mộng tinh...
  • Thói quen đeo trang sức giả ngày Tết cho trẻ em từ lâu không chỉ làm đẹp, tạo phong cách thời trang mà còn biểu lộ ước mong của người lớn có một năm mới giàu sang, phú quý. Tuy nhiên…
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Dân gian có câu “đói quanh năm, no 3 ngày tết”, để chỉ rằng dù trong năm có thiếu thốn đến mấy, nhưng 3 ngày tết vẫn phải no đủ để “lấy hên” cho một năm mới no ấm và đủ đầy.
  • Nền nhiệt thấp và mưa phùn ẩm, chế độ ăn uống sinh hoạt thả phanh ngày Tết chính là yếu tố khiến nhiều người dễ bị gặp phải những căn bệnh này.
  • Sỏi tiết niệu trong y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng “Thạch lâm” với nguyên nhân chủ yếu là do cảm nhiễm thấp nhiệt bên ngoài, ăn quá nhiều đồ cay nóng, béo ngọt, uống rượu vô độ, rối loạn tình chí lâu ngày làm tổn thương các tạng phụ khiến thấp nhiệt nội sinh tụ lại ở đường tiết niệu mà tạo thành sỏi.
  • Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.
  • Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên là phương pháp xác định thời điểm có thể quan hệ T*nh d*c mà không thể có thai
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY