Mẹ bé là thợ máy, ngụ Bến Tre, cho biết treo một đầu võng vào đinh đóng tường, một đầu ở máy may vì nghĩ bé nhẹ cân sẽ không ảnh hưởng. Trong lúc mẹ đi pha sữa, hai người chị 4 và 6 tuổi chơi với em, bất cẩn đè võng làm máy may đổ vào người trẻ. Người nhà đưa bệnh nhi đến y tế địa phương sơ cứu rồi chuyển lên TP HCM.
Ngày 1/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé nhập viện với môi tái nhạt, lừ đừ, mạch quay ở tay trái khó bắt, nồng độ oxy máu (SpO2) khó đo. Tay trái của bé biến dạng, vết bầm lớn từ vùng khuỷu lan xuống cẳng tay, da lạnh, các ngón gần như không cử động.
Siêu âm ghi nhận tình trạng tắc mạch máu ở tay, nhiều máu tụ. Các bác sĩ cho bé thở oxy, truyền dịch, truyền máu rồi mổ cấp cứu xử trí chấn thương. 6 giờ sau mổ, tay bé tím tái, không bắt được mạch, không đo được SpO2, cử động ngón kém. Chụp mạch máu cho thấy động mạch bị tắc hoàn toàn tại vị trí chấn thương, được ê kíp can thiệp xử trí tái thông.
Tuy nhiên, hai ngày sau, bé có biểu hiện sưng nề tay, mạch yếu, quấy khóc khi sờ khám, tưới máu da kém. Tình trạng này gợi ý hội chứng chèn ép khoang cẳng bàn tay nên bác sĩ chỉnh hình phải rạch giải áp. Sau hai tuần điều trị, tình trạng bé cải thiện tốt, bớt sưng nề, da hồng hào do tưới máu tốt, mạch rõ, cai được máy thở, bú khá.
"May mắn, cánh tay tưởng chừng phải cắt bỏ của bé đã được giữ lại thành công, máy ngã không đè vào đầu hay người bé gây chấn thương sọ não, nội tạng", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh không được chủ quan, bất cứ việc gì có nguy cơ cho trẻ cần phải hết sức cân nhắc để tránh xảy ra T*i n*n.