Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bé trai 9 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2

Một cậu bé mới 9 tuổi ở Hà Nội bị béo phì đã được xác định mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đây cũng là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam vào thời điểm phát hiện.

Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường ngày càng nhiều (ảnh minh họa) - Ảnh: Phương Linh


Tại chương trình công bố "Tuần lễ quốc tế phòng chống bệnh nội tiết - đái tháo đường" diễn ra chiều 26/6 tại Hà Nội, PGS-TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trẻ tuổi ngày càng phổ biến, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phát hiện cách đây nhiều năm mới chỉ 9 tuổi.

Đó là một cậu bé ở Hà Nội có kèm theo tình trạng thừa cân, béo phì. Bệnh nhân có chỉ số đường máu lên tới gần 15 mm/lít, chỉ số Hba1c là 11,7%, trong khi chỉ số này ở mức 9% bệnh nhân đã phải tiêm insulin. Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và may mắn có đáp ứng tốt với Thu*c uống. Tuy nhiên, bé sẽ phải điều trị suốt đời.

Theo giới chuyên môn, trẻ nằm trong nhóm có nguy cơ mắc đái tháo đường cao là trẻ có người thân mắc bệnh, trọng lượng sơ sinh trên 4 kg hoặc do gen. Khi trẻ thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều thì đó là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường trẻ em. Trẻ sẽ rất nhanh khát, uống nhiều nước và đi tiểu liên tục. Nguyên nhân là do đường bị tích tụ nhiều trong máu khiến thận phải làm việc liên tục ở cường độ cao để có thể lọc và hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa. Đến khi thận không còn khả năng để hoàn thành quá trình này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ được bài tiết ra ngoài cùng với nước tiểu. Ngoài ra, trẻ cũng thường xuyên có những cơn đói dữ dội, kéo dài, thậm chí ngay sau khi vừa mới ăn xong. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong các mô giảm mạnh và cạn kiệt năng lượng.

Theo PGS Bình, dù Việt Nam chưa có thống kê về trẻ mắc bệnh đái tháo đườngtuýp 2 nhưng ở nước ta có tới 15-20% trẻ bị thừa cân, béo phì, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Hiện Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới, nhưng là 1 trong 10 quốc gia có tỉ lệ phát triển bệnh đái tháo đường tăng nhanh bậc nhất của châu Á - Thái Bình Dương.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh. 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như: Tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường... Có đến 80% người bệnh đái tháo đường ch*t do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Theo D.Thu - Người Lao Động

Nguồn: alobacsi.com

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5d304ecb3330852b957a9f5a)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY