Nội tiết , Tiểu đường hôm nay

Bệnh tiểu đường có chữa khỏi không, hay phải chịu cả đời?

(Mangyte) - Cha tôi bị tiểu đường tuýp 2, tôi thấy ông phải kiêng khem ở tuổi già thấy thương quá, muốn giúp ông mà không biết làm sao.

Bệnh này có chữa khỏi không hay phải chịu cả đời? Tôi nghe nói bệnh tiểu đường lâu ngày sẽ dễ bị ung thư và tim mạch. Có đúng không, thưa BS? (Một bạn đọc)

Trả lời

Chào chị,

Tiểu đường là bệnh mạn tính, nên là suốt đời. Người bệnh có tuổi kiêng khem không nhiều như người bệnh trẻ, bởi vì họ đâu còn ăn nhiều nữa.

Chị chỉ cần khuyên bác không ăn kẹo, bánh hay thức uống chế biến với đường, vẫn ăn được một ít trái cây ngọt (nửa trái chuối già, 1/2 trái chuối sứ, 1/2 trái táo Mỹ, 3-4 múi mít, 1 trái quýt, 1/2 trái cam lớn, 1/4 trái thanh long, 4 trái táo xanh của Việt Nam, 3 múi bưởi... cho 1 lần ăn. Nhớ là mỗi lần chỉ ăn một loại trái cây), ăn thêm rau cải.

Về phần chất bột như cơm, nếp, bánh mì, mì gói, miến, bánh phở... nếu bác ăn quá it (ví dụ ăn chưa đến 1 chén cơm, 2-3 lát bánh mì...) thì chị không phải hạn chế. Người già cần ăn uống đa dạng để đủ chất bổ. Và khuyến khích bác đi bộ hàng ngày 30 phút. Nếu chị cho biết rõ tuổi của bác, cân nặng và bệnh đi kèm khác thì BS dễ tư vấn cụ thể hơn.

Người tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người không bệnh tiểu đường, do liên quan đến tăng huyết áp và xơ vữa động mạch ...

Thân mến!

TS.BS Lê Tuyết Hoa

Có phải tiểu đường làm người ta nóng giận thất thường không, BS? Từ khi bị bệnh ai cũng bảo tôi là Trương Phi. Hay là do bị kiêng cữ nhiều thứ quá đâm ra xì trét, quạu quọ?

Mong BS cho lời khuyên. Chân thành cảm ơn chị.

Văn Tường

Anh không giới thiệu tí gì về anh, làm sao mà BS lý giải được! Mắc bệnh bao lâu, tình trạng kinh tế xã hội như thế nào, tuổi tác ra sao, ..??? thư sau anh hãy cho BS biết với nhé.

Tiểu đường không làm người ta thay đổi tính khí như vậy, trừ khi bệnh nặng hoặc có biến chứng cấp xảy ra... vì đó đúng là tình huống stress về bệnh tật.

Viêc kiêng cữ trong ăn uống của người TĐ không quá nặng nề đâu anh. Hãy nghĩ rằng đây là ăn uống hợp lý: thịt cá ăn bình thường, rau cải gấp đôi, chất bột giảm chỉ còn 1/2 - 2/3 so với khi anh chưa mắc TĐ (chất bột giảm nhiều hay ít là tùy vào cường độ lao động của anh), giảm bớt dầu mỡ.

Anh có thể dành thời gian để chơi một môn thể thao nhẹ hoặc đơn giản nhất là đi bộ mỗi ngày (ít nhất 30 phút). Điều này giúp anh giảm đường huyết mà còn thư giãn tinh thần nữa.

Chúc anh vui khỏe!

TS.BS Lê Tuyết Hoa

Tôi nghe nói tiểu đường ăn sầu riêng là ch*t chắc. Vậy là do sầu riêng quá ngọt hay chất gì đó trong sầu riêng kỵ tiểu đường? Tôi thường thèm sầu riêng và mít, tôi phải làm sao, thưa BS? Tôi hay ăn bánh kẹo làm với chất đường hóa học, isomalt. Đường này dùng lâu dài có hại gì không? Cảm ơn BS đã lắng nghe tâm sự của bệnh nhân chúng tôi.

Trần Văn Quang (Hà Nội)

Sầu riêng là trái cây có chỉ số đường rất cao (lên đến 70%) nghĩa là ngay sau khi ăn sầu riêng xong, đường huyết tăng cao rất nhanh... nên đây là trái phải kiêng. (Gạo ngũ cốc là những thức có chỉ số đường thấp).

Mít có thể ăn, nhưng mỗi suất ăn, chỉ là 3-4 múi mà thôi. 2 suất trái cây còn lại trong ngày, anh có thể lựa chọn loại trái khác (táo, đu đủ...).

Bánh kẹo như anh đề cập dù không có đường nhưng chúng cung cấp chất bột (carbohydrate) nên cũng làm tăng đường huyết. Ngoài ra nếu ăn nhiều nhóm thức ăn này, vô tình anh đã nạp thêm calories vào cơ thể dễ làm tăng cân, bất lợi cho điều trị.

Đường hóa học isomalt là chất thay thế đường, ảnh hưởng ít đến đường huyết. Mỗi gam isomalt cung cấp 2 kilocalories. Isomalt được công nhận là phụ gia thực phẩm an toàn. Nhưng dùng nhiều có thể gây tiêu chảy và sình bụng, nên không dùng quá 50g/ngày đối với người lớn.

Anh là người thích ngọt... không cấm, nhưng nên ăn thỉnh thoảng và có thể thay thế thức ngọt từ trái cây hoặc thạch hoặc một ít chè đậu xanh đậu đỏ nêm với đường saccharin.

TS.BS Lê Tuyết Hoa

Bài tư vấn rất hay. Đúng là BS chuyên khoa, trả lời rõ ràng, rành mạch quá. Tôi cũng là bệnh nhân 5 năm, mà nay mới hiểu cặn kẽ các vấn đề này. Kính nhờ BS Tuyết Hoa tư vấn dùm tôi:

Bệnh tiểu đường có làm giảm ham muốn vợ chồng? Hiện nay tần suất và nhu cầu của tôi giảm hẳn. Có phải do tuổi tác ? (Tôi 55 tuổi, cao 1,7m, nặng 75kg, làm công tác quản lý). Có cách nào cải thiện thưa BS ? Chân thành cảm ơn BS Tuyết Hoa.

Trần Văn Mười

Chào anh,

Sự ham muốn xuất phát từ nền tảng cơ thể khỏe mạnh về thể chất, thư thái về tinh thần và sự đồng điệu của "đối tác".

Xét về bệnh lý, đái tháo đường nếu không được điều trị tốt khiến đường huyết tăng và xuất hiện các biến chứng thì làm sao mình có thể ham muốn được ạ.

Ngoài ra tính trên dân số chung, độ tuổi này hormon nam giảm nhiều nên sự ham muốn cũng ít nhiều xuống dốc. Đây là sự suy giảm tất nhiên do tuổi tác. Việc điều trị sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Thân mến!

TS.BS Lê Tuyết Hoa

Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/benh-tieu-duong-co-chua-khoi-khong-hay-phai-chiu-ca-doi-n10369.html)

Tin cùng nội dung

  • Ba tôi bị tiểu đường đã lâu, nay có biến chứng hoại tử ở chân, điều trị mãi không khỏi nhưng gia đình không muốn ba tôi phải đoạn chi. Nghe nói có phương pháp điều trị bằng oxy cao áp có thể giúp giữ lại chân tay cho người bệnh tiểu đường. Xin hỏi bệnh viện nào có điều trị phương pháp này và chi phí có tốn kém lắm không? Cảm ơn Mangyte rất nhiều! (Thanh Hương - huomgnguyen...@yahoo.com.vn)
  • Theo Đông y, nguyên nhân của bệnh là do uất nhiệt hóa hỏa, làm phần âm của các tạng phủ, (phế, vị, thận, vân vân), bị hao tổn.
  • Từ xưa đến nay, chữa bệnh đái tháo đường bằng ăn uống được coi là cách chữa cơ bản nhất, đó là thực hiện chế độ ăn kiêng theo yêu cầu của bác sĩ nhằm duy trì lượng đường cần thiết trong máu. Chế độ kiêng khem không có nghĩa chỉ được ăn một vài loại lương thực và thực phẩm mà là lựa chọn thực phẩm cung cấp đủ lượng calo cho cơ thể.
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Bệnh tiểu đường là một bệnh nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận và cơ quan trong cơ thể. Đó là lý do bệnh nhân cần được châm sóc từ nhiều bác sĩ.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic obstructive pulmonary disease, COPD) là bệnh phổi bao gồm cả hai bệnh trạng trên, thường gặp ở những người hút Thu*c lá, Thu*c lào nhiều năm.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Nền nhiệt thấp và mưa phùn ẩm, chế độ ăn uống sinh hoạt thả phanh ngày Tết chính là yếu tố khiến nhiều người dễ bị gặp phải những căn bệnh này.
  • Bài Thuốc dân gian điều trị bệnh tiểu đường
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY