Ngày 18/3, Bộ Y tế công bố và trao các quyết định bổ nhiệm quyền Chủ tịch và giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Quyết định có hiệu lực từ thời điểm công bố.
Theo đó, GS.TS Ngô Quý Châu (60 tuổi) - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai là quyền Chủ tịch hội đồng quản lý. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (53 tuổi), Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Với quyết định công bố này, Bệnh viện Bạch Mai là công đầu tiên tại Việt Nam có Chủ tịch hội đồng quản lý.
Bệnh viện Bạch Mai cũng là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ giai đoạn 2020-2021, tại Quyết định 268/QĐ-TTg, ngày 17/2/2020.
Với Đề án thí điểm này, Bệnh viện Bạch Mai được tự chủ về thực hiện chuyên môn; tự chủ về bộ máy, nhân sự; tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế... theo quy định của pháp luật.
Hội đồng quản lý bệnh viện gồm 11 thành viên. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên Hội đồng quản lý theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Theo đó, 4 bệnh viện được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng Đặc biệt đầu tiên trong cả nước, mỗi ngày, tại đây tiếp nhận từ 6.000 - 8.000 bệnh nhân tới khám, điều trị (ngoại trú, nội trú).
Chủ đề liên quan:
bệnh viện bệnh viện bạch mai cả nước chủ tịch đề án thí điểm giám đốc bệnh viện Hội đồng quản lý lớn nhất lớn nhất cả nước quản lý