Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh nhưng số bệnh nhân chuyển tuyến ở các bệnh viện trong tỉnh vẫn còn cao do không đáp ứng được yêu cầu về giường bệnh, chuyên khoa sâu...
Thiếu bác sĩ giỏi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng chuyển tuyến điều trị bệnh nhân. Trong ảnh: Các bác sĩ đang thực hiện can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B. Nhàn |
Các bệnh viện đang lo lắng rằng, đến năm 2021, khi Bộ Y tế tiến hành thông tuyến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, bệnh nhân không còn cần phải chuyển tuyến như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh.
“Vừa tỉnh dậy sau ca mổ giập nát mạch máu và xương ở đùi, tránh được nguy cơ hoại tử chân, bệnh nhân đã đòi chuyển lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục chữa trị. Lý do, họ muốn được nằm phòng riêng có máy lạnh nhưng chúng tôi không thể đáp ứng” - bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chia sẻ.
Chuyển viện gây thất thu 700 tỷ đồngTheo Sở Y tế, trong năm 2019, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên khoảng 400 ngàn ca bệnh điều trị nội trú và ngoại trú. Trong đó, có những trường hợp bệnh không phức tạp, bệnh viện có thể điều trị được nhưng bệnh nhân vẫn đề xuất chuyển tuyến, gây thất thu gần 700 tỷ đồng. |
Điều đáng tiếc, đây không phải là trường hợp đầu tiên hay duy nhất đề xuất chuyển tuyến tại bệnh viện này. Tỷ lệ chuyển tuyến diễn ra nhiều ở các chuyên khoa mà bệnh viện chưa triển khai được như: ung bướu, lao, da liễu, nhi. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay: “Chúng tôi chưa thể thực hiện hết được tất cả những trường hợp yêu cầu chuyên môn rất sâu, bệnh nhân tổn thương quá nặng. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân mong muốn được nằm điều trị ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, trong khi bệnh viện lại đang quá tải, chật chội, xây dựng quy mô 450 giường nhưng thực kê lên đến 1.100 giường bệnh”.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc chuyển tuyến cho bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan. Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, nhiều trường hợp khám bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú chuyển viện do vượt khả năng của bệnh viện. Nhưng cũng có thời điểm, một số trang thiết bị của bệnh viện bị hư hỏng “buộc” phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chữa trị. Cụ thể như mới đây máy MSCT 256 lát cắt bị hư 1 đầu bóng, chỉ chụp những ca bệnh bình thường, không chụp được các ca về tim mạch, mạch máu. Hoặc giữa năm 2019, máy DSA của bệnh viện cũng bị hư hỏng, trong khi bệnh viện chỉ có 1 máy nên phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đặt stent. “Không ít các trường hợp bệnh nhân đã chủ động lên một số bệnh viện tuyến trên khám bệnh và quay lại bệnh viện để xin giấy chuyển tuyến” - bác sĩ Trâm cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 30-11-2019, bệnh viện có 675 ca điều trị nội trú chuyển tuyến. Đa số các ca chuyển tuyến là do vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện và một số bệnh không nằm trong phân tuyến chuyên môn kỹ thuật như: động kinh, tim bẩm sinh cần phẫu thuật, các loại u, bướu…
“Một số trường hợp bệnh nhân điều trị nội trú thời gian kéo dài, gia đình không yên tâm nên muốn chuyển tuyến mặc dù bệnh viện có khả năng điều trị. Nhưng trong hồ sơ bệnh án, chúng tôi vẫn phải ghi vượt khả năng chữa trị để bệnh nhân chuyển tuyến vẫn được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến vì hoàn cảnh gia đình bệnh nhân” - bác sĩ Đa Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, để giảm tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh viện đã tăng cường trang thiết bị y tế như mua thêm máy DSA và đào tạo nguồn nhân lực hoặc mời chuyên gia từ các bệnh viện của TP.Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh trực tiếp cho người dân. Điển hình như kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng, bệnh viện đã mời bác sĩ tuyến trên xuống trực tiếp thực hiện và chuyển giao cho các bác sĩ tại bệnh viện. “Giảm chuyển tuyến không phải chỉ vài ngày là thực hiện được mà là “bài toán” dài hơi” - bác sĩ Trâm nói.
Trước tình trạng chuyển tuyến tăng cao, TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo, các cơ sở y tế cần phải tìm nhiều phương án để nâng cao chuyên môn của bác sĩ; thực hiện mô hình mời chuyên gia từ TP.Hồ Chí Minh về bệnh viện “cầm tay, chỉ việc” cho bác sĩ tại bệnh viện; bỏ “tư tưởng” mình là giỏi nhất để tiếp thu hướng dẫn của các chuyên gia... Có như vậy mới mong thay đổi diện mạo của ngành Y tế. |
Để triển khai được kỹ thuật mới, các bệnh viện phải có đầy đủ nhân lực với chuyên môn tốt, nhất là bác sĩ. Bác sĩ Đa Hà cho rằng, các bệnh viện cần phải có chính sách đặc biệt trong vấn đề thu hút, “giữ chân” bác sĩ; đào tạo bác sĩ có tay nghề và chuyên môn tốt, cử đi học ngắn hạn, dài hạn tại tuyến trên; mời chuyên gia về tập huấn và tham gia điều trị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Theo dự kiến năm 2021, Bộ Y tế sẽ tiến hành thông tuyến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương. Như vậy, người dân có quyền lựa chọn bất cứ cơ sở nào có chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng được sự hài lòng. Điều này cũng đặt các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương vào “thế cạnh tranh” và buộc phải thay đổi vì bệnh nhân không còn cần phải chuyển tuyến. Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, ngoài vấn đề chuyên môn, các bệnh viện cũng cần tính đến các dịch vụ đi kèm cần phải hoàn hảo hơn để thu hút bệnh nhân.
“Năm 2020, chúng tôi đang phấn đấu ngoài bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân sẽ có thêm nhân viên dược lâm sàng, dinh dưỡng… để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân” - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.