Ảnh: Stolenchildhood. |
Bác sĩ Lê Thị Hải, Trưởng phòng khám - tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 1.500 trẻ thừa cân - béo phì, chủ yếu ở lứa tuổi 9-11, khi các em đã có "sức ăn" tốt hơn, lại chưa ý thức nhiều về ngoại hình. Có những cháu mới 9 tuổi đã nặng hơn 70 kg, đến mức không thể học hay làm được việc gì, đến phòng khám chỉ ngồi thở. Gần đây có cháu còn Tu vong do ngừng thở khi ngủ, hậu quả của tình trạng quá cân.
Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh chuyển hóa như mỡ máu, tiểu đường... Số trẻ em bị tiểu đường type 2 (không do bẩm sinh) trong những năm gần đây tăng nhanh, thậm chí có cháu mới 6 tuổi đã mắc bệnh. Một nghiên cứu mà Viện Dinh dưỡng thực hiện cho thấy, có đến 70% số trẻ thừa cân - béo phì bị rối loạn mỡ máu, một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và các tai biến tim mạch.
"Béo phì ở trẻ em khó điều trị hơn so với người lớn và so với trẻ suy dinh dưỡng" - bác sĩ Hải nói. Nguyên nhân là những trẻ này thường rất thích ăn, ăn không kiềm chế được. Bố mẹ thương con nên cũng khó dứt khoát khi con đòi ăn. Việc khuyên các cháu rèn luyện thể lực càng không đơn giản khi thân hình trẻ đã nặng nề, dễ mệt khi tập, lại đã quá quen với việc ăn nhiều, vận động ít.
Về phía bác sĩ, trong điều trị, họ không thể bắt trẻ nhịn ăn vài bữa hoặc dùng Thu*c trong một số trường hợp như với người lớn. Vì vậy, theo bác sĩ Hải, để giảm béo cho trẻ, cần có sự kiên trì, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và các chuyên gia, đồng thời khéo léo thuyết phục để trẻ ý thức được sự cần thiết của việc giữ cân nặng bình thường.
Ở người trưởng thành Việt Nam, tỷ lệ thừa cân - béo phì hiện đã trên 16%, tính theo chỉ số khối cơ thể BMI. Nếu tính theo chỉ số vòng eo/vòng mông (vốn phản ánh chính xác hơn nguy cơ bệnh tim mạch), con số này xấp xỉ 40%. Tỷ lệ thừa cân cao nhất ở nhân viên văn phòng (35%) và thấp nhất ở nhóm nông lâm (12%) Những người đi xe máy, xuồng máy, ô tô có tỷ lệ thừa cân gần gấp đôi so với người đi xe đạp hay đi bộ. Việc ăn uống ngoài gia đình 5 lần/tuần làm tăng nguy cơ này lên gấp rưỡi. Béo phì kéo theo sự gia tăng các bệnh chuyển hóa như gút, mỡ máu, tiểu đường. Điều tra tại Hà Nội cho thấy, có đến 13% số người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa, chủ yếu tập trung ở nội thành. Để góp phần chống các bệnh trên, ngày 31/7, Viện Dinh dưỡng đã mở trung tâm tư vấn và kiểm soát béo phì. Cơ sở này sẽ khám, tư vấn về cách chăm sóc, điều trị cho những người quá cân. |