Các tác giả Thích Đức Thiện, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Quốc Tuấn từ các bài văn bia được giới thiệu trong Thơ văn Lý-Trần(1), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam(2) cùng một số văn bản mới phát hiện gần đây, tập hợp, giới thiệu, dịch và chú giải 18 văn bia thành sách Văn bia chùa Phật thời Lý(3). Trong đó Thanh Hoá có 5, Hà Nội 4, Ninh Bình 3, Hưng Yên 2, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định mỗi tỉnh có 1. Thực tế chuông Thanh Mai đúc năm 798 chôn ở lòng đất ven sông Đáy thuộc bãi Bờ Ró (Bãi Rồng), thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội; chuông Nhật Tảo (948) để ở đình Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Kinh Phật Hoa Lư (973, Ninh Bình) có từ trước thời Lý.
Xin giới thiệu với quí vị độc giả bia chùa Báo Ân huyện Đông Sơn, quê hương tôi, hiện đang được bảo quản tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Nội dung văn bia được giới thiệu trong Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao triều Lý, Sông Nhị, Hà Nội 1950; Thơ văn Lý –Trần, Tập 1, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, 1977; Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Lê Ngọc Tạo và Nguyễn Văn Hải, Một số bia ký điển hình ở Thanh Hoá, Nxb Thanh Hoá 2008.
- Tên bia: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký.
- Niên đại và việc khởi dựng: Theo lạc khoản:
“Người soạn thuật là Chu Văn Thường, giữ chức Thự mẫn thư lang, Quản câu Ngự phủ, Đồng trung thư kiện biên tu, kiêm coi việc quân
huyện Cửu Chân trại Thanh Hóa(1).
Bia một mặt, mặt chữ bị mòn nhiều, phần đáy bia bị trám đá màu trắng, khoảng ba mươi ba dòng, một nghìn chữ. Theo Học giả Hoàng Xuân Hãn, thì “bia dựng năm Canh Thìn, niên hiệu Hội Phong thứ chín (1100)”.
- Vị trí bia hiện nay: Bia xưa kia dựng ở chùa Báo Ân, núi An Hoạch, phủ Đông Sơn, trấn Thanh Hóa2. Ngày nay được đưa ra dựng tại sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
- Đế bia: Hộp hoa sen.
sin có vân xoắn.
+ Trán bia mặt dương: Khắc đôi rồng lượn hình sin, uốn ba khúc, chầu vào tâm là tám chữ Khải chia làm hai dòng, tên bia: An Hoạch sơn
Báo Ân tự bi ký.
+ Trán bia mặt âm: Không khắc.
- Họa tiết trang trí diềm đáy: Hình sóng nước.
Dịch nghĩa: Chói ngời thay diệu lý, lặng lẽ soi mọi vật mà mọi vật chẳng lấn át lẫn nhau. Lồng lộng thay cái chân không vẳng lặng kia, thu nạp mọi cảnh mà chẳng cảnh nào lẫn với cảnh nào. Đó chẳng phải là sâu xa lớn rộng hay sao!
(Thường nghe) Phật có sắc vàng (như) người ta có Phật tính, nhưng không (mấy ai) giác tự ngộ được. Vì vậy, người muốn chứng quả phải nhờ điều thiện để đến nơi chứng quả. Điều đáng tham cứu không gì lớn hơn tượng pháp(4), mà sùng thương Phật pháp không gì bằng chùa chiền. Cho nên, bắt chước dấu vết thơm tho của Ưu Điền, A Dục(5); phỏng theo tung tích sót lại của Ma Đằng, Pháp Lan(6). Nay có Thái úy Lý Công(7) giúp vua thứ tư triều Lý(8) được trao chức: Suy thành, Hiệp mưu, Bảo tiết Thủ chính, Tá lý, Dực đới công thần, Thủ Thượng thư lệnh, Khai phủ đồng Tam ty, Nhập nội thị sảnh đô Đô tri, Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử đại phu, Giao thụ chư trấn, Tiết độ sứ, Đồng Trung thư môn hạ, Bình chương sự, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ, khai quốc Thượng tướng quân, Việt Quốc công, thực ấp một vạn hộ, thực thực phong bốn nghìn hộ9. Ông đứng trước tiết lớn, vâng mệnh phù nguy, là người có thể gửi gắm đứa con côi, ủy thác mệnh lệnh ngoài trăm dặm(10). Rồi đó, ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bẩy lần bắt bảy lần thả giặc(7). Đâu phải riêng nhà Hán có công huân Hàn, Bành(11) nước Tề có sự nghiệp Quản, Án(12). Riêng ông giúp vua thì nước nhà giàu thịnh, nhiều năm đó chính là công tích rực rỡ của đạo làm tôi có thể để lại nghìn đời sau vậy.
Đến năm nhâm tuất (1082), nhà vua đặc biệt ban thêm một quận thanh hóa cho ông làm phong ấp, châu mục đều ngưỡng mộ phong thanh, muôn dân đều mến đức chính.
Ở phía Tây Nam huyện có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch(13), sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quí giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm, dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi ngàn đời. Thế là Thái uý Lý Công sai một thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Đao suất lĩnh người hương Cửu Chân(14), dò núi tìm đá trong mười chín năm. Tiết tháo được thể nghiệm nên dân qui phục, vậy mà vẫn luôn luôn dè dặt như đi trên băng mỏng, chăm lo đầy đủ khiến mình trong sạch, thế nhưng vẫn băn khoăn như cưỡi ngựa nắm dây cương sờn.
Tự xét mình rằng: Lượng khí nhỏ mà quyết đoán việc quan trọng, tài trí hèn mà gánh vác việc lớn lao. Chưa hạt bụi nhỏ mà không chùi, sẽ thành năm núi lớn, rót từng giọt nước mà không nghỉ, sẽ tràn bốn biển khơi. Phương chi lại đội ơn vua ban cho vượt bậc, biết lấy gì báo đền. Cho nên tất cả những người xứ này, hiền ngu lần lượt, giàu nghèo đúng phiên đều san đất rẫy cỏ, dựng một ngôi chùa gọi là chùa Báo Ân. Giữa đặt tượng Phật, dưới đặt tượng Bồ Tát, sắc ánh như vàng, đẹp như tranh vẽ. Chùa khởi công từ mùa hạ năm Kỷ Mão (1099) đến mùa hạ năm Canh Thìn (1100) thì hoàn thành. Mái tường rực rỡ là nhờ một sớm nét đan thanh điểm xuyết, trăm năm khí tượng mãi mãi thơm tho. Phía trước hướng về phương Nam(15) huyện Cổ Chiến(16), đồng ruộng san sát, xanh tốt như mây. Phía sau liền gò Tường Phượng, bên cạnh vút đồi Bạch Long(17), dòng sông trong chảy ngang, hình thành một giải. Bên tả thông tới cõi Ngung di(18), trong khoảng giới hạn cách ngăn, xa vén cõi Phù tang(19) tiếp đón ánh mặt trời mới mọc. Bên hữu suốt tới đô Muội Cốc(20), trấn át ngọn núi cao, tiễn ánh tà dương thoáng lướt qua khe cửa. Gò đá cửa ngòi, hai bóng vút cao chóp núi, hoa thơm bên suối, xa xa phảng phất hương nồng. Tôi tài học thiển lậu, thắng sự nào hay, lạm viết lời quê, để lưu hậu thế.
Lời nói tủn mủn, sợ thẹn với các bậc hiền đời sau.
Chu văn Thường giữ chức Thự hiệu thư lang, quản câu ngự phủ, đồng Trung thư viện Biên tu, kiêm coi việc quan huyện Cửu Chân, trại Thanh Hoá, soạn thuật.
Đỗ Văn Hỷ dịch
Tỷ khiêu Thích Nguyên Phong
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2017
-
2. Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (1998), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1, Từ Bắc thuộc
3. Thích Đức Thiện, Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Quốc Tuấn, Văn bia chùa Phật thời Lý, Nxb Khoa học xã hội, 2011
4. Thuật ngữ đạo Phật, chỉ một trong “tam pháp”: Chính pháp, Tượng pháp và mạt pháp. Ba pháp này tương ứng với ba giai đoạn phát triển khác nhau của đạo Phật. Tượng pháp thuộc giai doạn thứ hai.
5. Ưu Điền, A Dục: Ưu Điền (tiếng Phạn là Udayân) , tên vị vua một nước ở Tây Vực thời xưa có lòng mộ đạo Phật. A Dục (tiếng Phạn là Asoka (266-223 TCN) tên một vị vua Ấn Độ xưa. Trước, ông theo đạo Bà la môn, tính tình rất bạo ngược, sát hại cả anh em. Sau khi lên ngôi, ông hối cải lầm lỗi cũ, thi hành nhân chính, trở thành người rất sung đạo Phật. Việc truyền bá đạo Phật ra nước ngoài phần lớn dựa vào công sức của ông.
6. Ma Đằng, Pháp Lan: Tên hai nhà sư nổi tiếng của Ấn Độ. Pháp Lan (Trúc Pháp Lan) cùng với Ma Đằng (Nhiếp Ma Đằng) được Hán Minh Đế sai sứ sang mời và đến Lạc Dương năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 68). Hai ông là người đầu tiên dịch kinh Phật và làm chùa ở Trung Quốc.
Dòng chữ chỉ chức tước của Lý Thường Kiệt, so với những chức tước này ghi trong bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi của Pháp Bảo thì có khác một vài chữ, như chữ nghị đồng thì viết thành khâm đồng, chữ khai quốc thì viết thành phò quốc.
9. Câu này muốn nói đến sự kiện sau khi Lý Thánh Tông mất (1072), Lý Nhân Tông mới 7 tuổi, toàn bộ công việc chính trị và quân sự trọng yếu trong triều, hoàng hậu Ỷ Lan đều giao cho Lý Thường Kiệt nắm giữ.
10. Bảy lần bắt, bảy lần tha (thất túng thất cầm): Tác giả mượn điển Khổng Minh Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc mang quân đi đánh phương Nam, bảy lần bắt được Mạnh Hoạch đều tha cả bảy, để ca ngợi tài cầm quân của Lý Thường Kiệt. Toàn bộ câu văn trong bài muốn nhắc đến một loạt chiến công của họ Lý: Tấn công bộn xâm lược Tống năm 1076, chống quân Tống xâm lược vào năm 1077-1078, và đánh Chiêm Thành năm 1069.
12. Quản, Án tức Quản Trọng và Án Anh. Quản Trọng là tướng quốc giỏi giúp Tề Hoàn Công xưng bá; Án Anh là quan Đại phu nước Tề thời Xuân Thu, nổi tiếng là quan thanh liêm, tiết kiệm và trung nghĩa, được người đương thời hết sức ca ngợi.
19. Cõi Phù tang: Thần thoại Trung Quốc kể rằng: Có nhiều mặt trời mọc dưới gốc cây Phù Tang ở Dương Cốc. Ở đây tác giả dùng điển để chỉ phía Đông mặt trời mọc.
20. Muội cốc: Kinh thư có câu “phân mệnh Hòa Trọng trạch Tây, viết Muội cốc” nghĩa là: lại sai Hòa Trọng làm nhà phía Tây gọi là Muội cốc. Phần truyện giải thích rằng: Một là tối, mặt trời lặn vào hang nên khắp mặt đất đều tối, vì vậy gọi là Muội cốc. Ở đây tác giả dùng chữ đó để chỉ nơi mặt trời lặn.
21.Trời Nghiêu: Chữ dung trong Tống sử, nhằm ca ngợi triều đại vua Nghiêu, một triều đại thịnh trị trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
Chủ đề liên quan:
thanh hóa