Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ngày 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đối với 19 tỉnh, thành phía Nam - những nơi dịch Covid-19 đang bùng phát.
Ngoài TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang với thời gian 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Động thái này của chính phủ cùng với các báo cáo về số ca bệnh những ngày gần đây của ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch covid-19 cho thấy, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp nhất là tại các tỉnh thành phía nam.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh covid-19 do phó thủ tướng vũ đức đam chủ trì sáng 18/7, bộ trưởng bộ y tế cho biết, trước diễn biến dịch căng thẳng ở tphcm, bộ y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho bệnh viện hồi sức covid-19 của tp hồ chí minh để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. bộ y tế sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại tp.hcm.
Bộ Y tế giao kho trang thiết bị này cho Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để có thể chủ động phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần này, Việt Nam sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức cao hơn nhiều, tăng thêm 10 triệu test, so với đợt dịch trước là 2 triệu test. Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước. Cùng với đó, Bộ cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân COVID-19.
Đánh giá diễn biến dịch bệnh lần này phức tạp hơn những đợt dịch trước, bộ trưởng nguyễn thanh long cho biết, bộ y tế đã báo cáo chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch covid-19, đang chuẩn bị cho "kịch bản xấu và xấu hơn".
Theo đó, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội là một biện pháp để ngăn chặn lây lan dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực với nhau, đặc biệt từ TP Hồ Chí Minh.
"Trong chính mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ thấp hơn. Do đó, thông qua việc giãn cách này không những để bảo vệ cho các tỉnh khác có nguy cơ thấp hơn trong khu vực mà cũng chính là bảo vệ cho những vùng, những huyện có nguy cơ thấp hơn trong mỗi tỉnh, thành phố" - ông Trần Đắc Phu lý giải.
Theo quan điểm của ông Trần Đắc Phu, khi thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương nên lưu ý thực hiện nghiêm nhưng phải tính toán phương án giao thông thông suốt, hạn chế ách tắc và sắp xếp lại phù hợp những loại hình sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, các địa phương phải lưu ý đến vấn đề xe liên tỉnh, liên huyện, không nên đặt ra những quy định không cần thiết, trái với quy định của các cấp có thẩm quyền.
Chuyên gia dịch tễ này cũng khuyến cáo, việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm, tránh hiện tượng "bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng".
Theo báo cáo mới nhất, tính từ 19h ngày 17/7 đến 6h ngày 18/7 có 3.098 ca mắc mới. Việt Nam đã có tổng cộng 48.964 ca ghi nhận trong nước và 2.038 ca nhập cảnh.
Thế Công