“Ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế không công bố dịch tay chân miệng tại các địa phương. Bởi các ca mắc mới tay chân miệng đang giảm đi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết tại hội nghị trực tuyến về bệnh tay chân miệng với các tỉnh miền nam, diễn ra vào chiều 20/8, tại Hà Nội.
Sở dĩ Bộ Y tế đưa ra quyết định này là dựa vào tình hình dịch báo cáo của địa phương. Trước đó, ngày 19/9, đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, tại Hội nghị trực tuyến về tay chân miệng này, trên cơ sở báo cáo của các địa phương đang xảy ra
dịch tay chân miệng, Bộ Y tế sẽ quyết định công bố hay không công bố dịch.
Tại Hội nghị này, báo cáo của các tỉnh thành cho thấy dịch đang có xu hướng chững lại, số mắc và Tu vong đều giảm. Như TPHCM, ngày 22/6 là ngày “đỉnh” với số trẻ mắc bệnh cao nhất, lên đến 101, nhưng nay chỉ còn 30-40 ca ngày. Hay như Tiền Giang, ngày cao nhất có đến 58 trẻ mắc tay chân miệng thì nay giảm xuống chỉ còn 10-5 ca. Vẫn còn một số tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước, Bạc Liêu…,số ca bệnh vẫn tăng nhưng không nhiều.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng trên số liệu giám sát của các Viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur trong cả nước cũng cho thấy, số ca mắc tay chân miệng trong cả nước đang giảm dần. Cụ thể, số mắc tay chân miệng tăng từ tuần 21 (tháng 6-2011) và đỉnh điểm là tuần 25, từ đó đến nay số ca mắc đã dần giảm, số ca Tu vong cũng giảm.
Thứ trưởng Huấn cho biết, các tỉnh đã khống chế được dịch. Vi-rút chưa thay đổi độc lực, chưa biến đổi gene. Cụ thể, vào năm 2005, trong số hơn 700 bệnh nhân tay chân miệng thì hơn 42% là liên quan đến virus enterovirus 71 (EV71), còn lại chủ yếu vẫn là virusCoxsackievirus A16 (CA16) .Tuy nhiên, từ năm 2009, virus EV71 (gây bệnh nặng hơn) dần chiếm ưu thế hơn, tăng lên 70.
Bộ Y tế cũng thừa nhận, một số hoạt động trong công tác phòng dịch chưa được hiệu quả, trong đó có việc tuyên truyền cho người dân về căn bệnh, đường lây và phương pháp phòng bệnh.
Tuy không công bố
dịch tay chân miệng, nhưng Bộ Y tế cũng khuyến cáo các địa phương, người dân không vì thế mà lơ là chủ quan. Vì nếu lơ là dịch bệnh sẽ có điều kiện bùng phát, thậm chí lây sang cả người lớn, khi đó số ca bệnh sẽ càng tăng, kéo theo đó, số ca có nguy cơ biến chứng cũng sẽ tăng lên.
Vì thế, để chuẩn bị công tác phòng chống dịch từ giờ đến cuối năm, thứ trưởng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, báo cáo về Bộ trước 25/8.
Các trạm y tế xã phường, cán bộ phường phải đến từng hộ gia đình trong các ổ dịch để đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Hướng dẫn người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đối với cả trẻ em và người lớn, khử trùng sàn nhà, vật dụng sinh hoạt và đồ chơi của trẻ.
Theo Hồng Hải - Dân trí