Đậu hũ non là sản phẩm được chế biến từ đậu nành. Đây một loại thực phẩm chứa hàm lượng sắt, canxi và protein cao nên rất tốt cho sự phát triển trí não cũng như thể chất của trẻ. Tuy nhiên cũng vì hàm lượng đạm cao nên có một số trẻ có thể dị ứng với loại thực phẩm này.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, đậu hũ non chứa rất nhiều protein nên có thể gây khó tiêu, không thích hợp với trẻ mới tập ăn dặm. Chỉ nên cho bé ăn dặm với đậu hũ non khi bé được 8 tháng tuổi trở nên.
Nguyên liệu: 1 chén con đậu nành (nên chọn loại đậu nành hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng, không nên chọn loại đậu nành hạt to được bày bán nhiều ngoài chợ không rõ nguồn gốc), 1/2 thìa cà phê đường nho (có bán ở các cửa hàng làm bánh ngọt), 1 bát nước lọc.
- Vo qua đậu nành cho sạch bụi bẩn rồi ngâm đậu nành ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Nên ngâm qua đêm rồi để đến sáng nấu sẽ tiện hơn.
- Đãi sạch vỏ, cho đậu nành cùng bát nước lọc vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Muốn đậu đặc thì cho ít nước. Ngược lại, muốn đậu loãng thì cho nhiều nước hơn tùy sở thích của từng người.
- Cho hỗn hợp đã xay vào cái khăn sữa sạch hoặc túi lọc rồi lọc bỏ bã. Lọc lại nhiều lần để loại bỏ hết cặn đậu nành.
- Đem sữa đã chắt đi nấu. Khi sôi nhỏ lửa để đậu không bị khét. Sau khoảng 5 phút đun sôi bạn sẽ thu được sữa đậu nành. Khi sữa còn nóng đổ nửa thìa cà phê đường nho đã chuẩn bị vào và khuấy nhẹ tay đến khi thấy sữa kết tủa lại là được.
- Lấy một khay thủy tinh, lót thêm một tấm vải hay khăn sữa mỏng lên khay. Đổ hỗn hợp kết tủa vào và đậy khăn lại. Bỏ thêm một vật nặng chèn lên trên. Để yên trong khoảng 1-2 giờ, bạn sẽ thu được đậu hũ non.
Nếu thích, bạn không cần chèn vật nặng ở trên khuôn cũng được. Sản phẩm sẽ cho ra những cục đậu hũ non kết tủa con con. Ở trên là lớp nước đậu hũ. Nếu chèn khăn thì đậu hũ sẽ tạo thành một khối đẹp mắt hơn.
Đậu hũ non tốt nhất là ăn ngay sau chế biến sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Tuy nhiên, nếu mẹ muốn bảo quản lâu dài cho con ăn dần thì có thể để đậu hũ non vào một bát nước sôi để nguội, sau đó để trong ngăn mát tủ lạnh trong 2-3 ngày. Nên thay nước ngâm đậu 1-2 lần mỗi ngày.
Một số bạn bỏ đậu hũ non trên ngăn đá để bảo quản được lâu hơn. Việc làm này sẽ làm cho đậu hũ trở nên thâm và tơi làm mất màu sắc và dinh dưỡng của đậu hũ.
Với những trẻ đang ăn dặm, cách chế biến thông thường khi sử dụng đậu hũ non là dầm nát rồi trộn lẫn với các loại thực phẩm khác. Có thể trộn vào cháo, bột hay trộn với các loại hoa quả như táo, dâu dây, quả việt quất, lê... Với những trẻ lớn hơn có thể xắt ra từng miếng nhỏ và cho vào bát để bé tự xúc ăn.
Chủ đề liên quan:
ăn dặm bé ăn dặm cách làm cách làm đậu hũ chế độ dinh dưỡng cho trẻ cho bé cho bé ăn cho bé ăn dặm cho trẻ ăn dặm cung cấp đậu hũ dưỡng chất trẻ ăn dặm