Ngứa mắt, họng khô, phát ban, buồn nôn, khó thở… là những triệu chứng của dị ứng mà trẻ nhỏ có thể gặp do ăn thực phẩm không hợp với cơ thể.
Các dấu hiệu dị ứng này thường có xu hướng ngày càng tăng lên nếu cơ thể lại tiếp xúc với những thực phẩm đó trong những lần sau.
Một số thực phẩm như: lòng trắng trứng sống hoặc chưa chín hẳn, sữa (hay gặp là sữa bò), đậu phộng, thịt bò, cá biển, hải sản tươi sống… bạn nên tránh cho em bé ăn trước một độ tuổi nhất định, để tránh làm tăng nguy cơ bị dị ứng cho trẻ.
Cá có thể gây dị ứng ở một số trẻ, cho nên tốt nhất là không cho em bé của bạn ăn cá trước khi bé được
6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn bất kể loại thức ăn có chứa hạt, vì các loại thức ăn này sẽ dễ làm trẻ nghẹt thở.
Đậu phộng và các thức chứa đậu phộng là món ăn không nên cho em bé trong gia đình có tiền sử bị dị ứng ăn cho đến khi em bé ít nhất được 3 tuổi. Nếu không có vấn đề gì khác thì các em bé có thể ăn các loại thức ăn trên từ
6 tháng tuổi trở lên.
Nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất là cho trẻ ngưng sử dụng thực phẩm đó. Sau một vài tháng có thể thử sử dụng lại với số lượng ít và theo dõi các dấu hiệu dị ứng. Nếu sau 2 - 3 lần thử như vậy mà không có dấu hiệu thì nên loại thực phẩm đó khỏi danh sách nghi ngờ, vì lần dị ứng đầu tiên có thể là do trùng lặp với thực phẩm khác hoặc nguyên nhân khác.
Nếu trẻ có những biểu hiện bị dị ứng thức ăn thì hãy gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh và có được lời khuyên hợp lý.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, cách phòng ngừa dị ứng thức ăn tốt nhất ở trẻ sơ sinh là nên cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Nên bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc sau 6 tháng và khởi đầu bằng: gạo, thịt heo, thịt gà, chuối, lê, rau quả (không ăn đậu)…
Mangyte.vn
Theo Lao Động