Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cần giải pháp nâng cao sức khỏe cho người di cư Việt Nam

MangYTe - Di cư là xu thế tất yếu và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Di cư không phải là bài toán của riêng một ngành nào mà là sự phối kết hợp chung tay của tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Khởi động Chương trình nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức sáng nay (7/7) tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Di cư là một xu thế tất yếu, gắn liền với quá trình phát triển. Theo đó, dân số trên thế giới hiện có khoảng hơn 7 tỷ người thì có 272 triệu người di cư.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Di cư là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội.

Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.

Theo Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vẫn đề như mất việc làm, giảm lương đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và những việc này cũng tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Theo báo cáo Di cư toàn cầu 2019 của Tổ chức Di cư Quốc tế cho thấy, thế giới có 272 triệu người di cư quốc tế trong số 7,7 tỷ người, tức cứ 30 người có 1 người di cư. Thế giới có 130 triệu phụ nữ di cư, chiếm 48% tổng số người di cư quốc tế; 74% người di cư quốc tế ở trong nhóm tuổi 20-64 tuổi. Các dòng di cư chủ đạo là từ Bắc xuống Nam, từ Nam đến Nam và từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển.

Tại Việt Nam, tổng dân số là 96.2 triệu người (năm 2019), xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN và xếp thứ 15 trên thế giới. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số.

Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.Mai

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2016 của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho thấy, năm 2016 cả nước có gần 6 triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh. Tỷ lệ nam - nữ xuất cảnh tương đương nhau. Người Việt Nam di cư ra nước ngoài cao nhất ở nhóm tuổi 20-39. Lý do chủ yếu của người Việt Nam di cư ra nước ngoài là làm việc và học tập.

Trong nước, các dòng di cư chủ yếu là thành thị đến thành thị (36,5%); nông thôn đến thành thị (27,5%); nông thôn đến nông thôn (26,4%) và thành thị đến nông thôn (9,6%). Như vậy, dòng di cư chủ đạo tại Việt Nam là thành thị - thành thị và rất cách biệt so với các dòng di cư còn lại.

Năm 2019, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành nghiên cứu Phân tích thực trạng sức khỏe người di cư tại Việt Nam nhằm xác định nhu cầu chăm sóc sức khỏe, các khoảng trống và ưu tiên đối với sức khỏe người di cư.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề và giải đáp các câu hỏi đặt ra nhằm thúc đẩy nâng cao sức khỏe của người di cư. Ảnh: Minh Trường

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.

Chính vì vậy, tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề và giải đáp nhiều câu hỏi đặt ra nhằm thúc đẩy nâng cao sức khỏe của người di cư. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết kế, xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư, tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người di cư trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình…

Mai Thùy

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/dan-so/can-giai-phap-nang-cao-suc-khoe-cho-nguoi-di-cu-viet-nam-2020070715050447.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY