Tâm sự hôm nay

Cháu trai 10 tuổi ham chơi game

Cháu tôi là con trai, 10 tuổi, có một em gái cùng mẹ khác cha gần 3 tuổi.

Bố mẹ cháu bị câm điếc, đã ly dị. Chồng thứ hai của mẹ cháu không còn. Cháu khá nghe lời, thương em. Cả gia đình cháu sống cạnh nhà ông bà ngoại. Ông bà cắt đất và xây nhà cho ở.

Tôi 30 tuổi, ở Sài Gòn, thỉnh thoảng về quê chơi, coi cháu như con đẻ mình. Cháu rất ham game. Lúc học lớp một nghe lời xúi giục của trẻ con hàng xóm mà về trộm cắp tiền của ông bà. Năm ngoái, cháu lấy trộm tờ tiền mệnh giá 500 nghìn của tôi lên trường mua bánh kẹo, bị cô giáo phát hiện và báo ông bà. Về có mắng và dạy bảo, cháu tỏ ra rất lắng nghe. Học lực cuối năm đó là giỏi, tốp 5 của lớp 4 cháu đang học.

Vấn đề tôi đang đau đầu nhất là cháu rất mê game. Có lần mượn điện thoại ông lén tải game có phí về rồi lén xóa, khi ông hỏi thì nói dối cháu học bài online cô giáo gửi. Ông tin nhưng khi điện thoại bị trừ nhiều tiền mới biết cháu tải và chơi game. Mọi người dạy bảo, tôi cũng nói rất nhiều, cháu vâng dạ. Hôm rồi về ăn giỗ bên nội, cháu vẫn lén chơi khi bố cháu cho cái điện thoại cũ. Nay sang nhà cháu thấy, không kiềm chế được tôi đã la mắng, sau đó còn đánh mấy cái. Bản thân cũng khóc khi đang la cháu. Chỉ lo cháu còn nhỏ mà ham mê quá, sau lớn hơn sẽ nghiện game hoặc có hành vi không tốt. Làm sao để tốt nhất cho sự phát triển của cháu, kính mong độc giả cho lời khuyên. Chúc mọi người an vui.

Minh

Chuyên gia tư vấn Phong Nguyên gợi ý:

Minh thân mến,

Cậu bé gặp nhiều thiệt thòi, nhưng có thể thấy là cháu vẫn có sự cố gắng, nghe lời, hơn nữa kết quả học tập của cháu ở lớp cũng rất tốt. Vì vậy những hành vi được cho là "nghiện game" hiện tại, hay bất cứ một biểu hiện, hành vi nào khác đều là không đủ và không thể dùng để đánh giá về toàn bộ sự phát triển cũng như nhân cách của cậu bé sau này.

Nhiều ví dụ ngoài đời thật về câu chuyện của những đứa trẻ nghiện game, dẫn đến những lệch lạc về mặt hành vi có thể đã khiến bạn lo lắng cho cháu mình, rằng cậu bé có thể sẽ là một trường hợp tương tự khi lớn lên.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào ham chơi game sẽ trở thành một kẻ nghiện game và rối loạn về hành vi. Điều tạo nên sự khác biệt chính là việc có một người bên cạnh đồng hành cùng sự phát triển của cậu bé. Với trường hợp của cháu, đó không nhất thiết phải là một người cố định, có thể là nhiều người nhưng cần thống nhất một cách ứng xử chung với cậu bé.

Đó không chỉ đơn thuần là người sống cùng, còn là người có phương pháp phù hợp, sự kiên nhẫn, hơn cả là khả năng đặt lòng tin vào cậu bé. Cháu bạn đang ở độ tuổi phát triển, điều một đứa trẻ ở độ tuổi này luôn cần chính là sự tin tưởng, tin tưởng cháu có tiềm năng phát triển tích cực, độc lập, trở thành người biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Đây không phải là niềm tin phi lý khi cậu bé được miêu tả là ngoan và thương em. Cậu bé cũng đạt thành tích học tập cao dù không có nhiều người thường xuyên kèm cặp, chỉ bảo từng li từng tí. Như vậy, tiềm năng vượt ra khỏi hoàn cảnh cuộc sống để vươn lên là rất lớn và khả quan, nhất là khi cháu mới chỉ 10 tuổi.

Thông thường với trẻ, game ngoài việc đem lại sự thú vị và những phút giây giải trí, đó còn là hoạt động để trẻ được kết nối với bạn bè (chẳng hạn: chơi online cùng các bạn; chơi để có chủ đề cùng nói chuyện với bạn bè,...), và được thoải mái thể hiện bản thân nhất có thể. Điều này có được qua mỗi lần trẻ nhận được phần thưởng cho mỗi "chiến công" của mình trong quá trình chơi. Việc la mắng hay cấm đoán, tịch thu điện thoại không phải là phương pháp hiệu quả khi nó không làm biến mất nhu cầu được chơi game ở trẻ, thậm chí còn làm tăng thêm các hành vi lén lút chơi khi trẻ không thể tìm được hoạt động nào khác đem lại cảm giác giống như khi chơi game. Như vậy, điều quan trọng là phải tạo một môi trường khiến trẻ nhận được những điều tương tự như khi chơi game để dần thay thế.

Game có những mặt lợi nhất định đối với trẻ, vì vậy không nên cấm mà nên có giới hạn cho việc chơi. Chơi game nên trở thành phần thưởng sau khi đã làm hết bài tập trên lớp, được điểm cao, hoặc giúp đỡ ông bà làm một chút việc nhà, và đi kèm lời khen khích lệ dành cho trẻ mỗi khi hoàn thành tốt việc của mình. Đây là phương pháp tốt để vừa củng cố việc học tập, hành vi có ích ở trẻ, vừa điều chỉnh hành vi chơi game.

Khoảng thời gian chơi cũng nên được giới hạn. Chẳng hạn, trẻ có thể chơi một lần một ngày, mỗi lần 30 - 45 phút. Tất cả những điều này nên được thỏa thuận với trẻ, người lớn có thể viết lên một tờ giấy, có chữ ký của cả hai người và dán ở trong phòng trẻ. Nếu trẻ chơi quá nhiều so với quy định, trẻ sẽ bị trừ thời gian chơi game vào lần sau (ví dụ: ngày hôm sau sẽ không được chơi nữa).

Người lớn nên dạy trẻ cách kiểm soát thời gian chơi game của mình. Thông thường, có nhiều trò chơi có thời lượng 45 phút/ván, vì vậy trẻ cần học được cách căn thời gian. Trước khi bắt đầu một lượt chơi mới, trẻ nên kiểm tra đồng hồ để biết mình có đủ thời gian chơi tiếp hay nên chuyển sang một trò khác có thời gian ngắn hơn để không vi phạm vào giao kèo đã có với người lớn. Bên cạnh đó, người lớn được khuyến khích tham gia chơi cùng để vừa kết nối với trẻ, vừa kiểm soát được loại game trẻ đang chơi.

Phương pháp thưởng phạt có thể áp dụng với việc trẻ tiêu tiền trong game. Hãy giúp trẻ hiểu rằng: "Số tiền con tiêu vào game là tiền người lớn vất vả kiếm ra, vì vậy mỗi khi tiêu tiền của người lớn, con cần có sự cho phép của người lớn, giống như khi ở lớp, bạn khác muốn dùng tẩy của con cũng phải được sự đồng ý của con thì bạn mới được lấy dùng". Người lớn có thể giao kèo với trẻ rằng nếu trẻ tiêu tiền vào game, trẻ sẽ bị phạt một tuần không được chơi game. Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi này thường rất nhiều năng lượng và thích vận động, người lớn có thể khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất khác nhau với các anh em trong nhà, hoặc khuyến khích trẻ tham gia lớp dạy đá bóng, tập võ,... để kéo sự chú ý của trẻ ra khỏi game.

Trên đây là một số phương pháp được chứng minh là hiệu quả trong việc điều chỉnh hành vi của trẻ. Nhưng như tôi đã đề cập, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của những phương pháp này chính là lòng tin và sự kiên nhẫn của người lớn. Điều này có thể được biểu hiện bằng một lời khen khi trẻ đạt thành tích cao, một món ăn mà cháu thích để động viên cho những cố gắng làm theo giao ước của cậu bé, hay một cuộc điện thoại hỏi thăm, động viên của người bác/cậu ở xa cũng mang tính khích lệ rất nhiều đối với cậu bé. Sống trong sự quan tâm vô bờ bến của gia đình, thật hy vọng rằng cháu sẽ lớn lên khỏe mạnh và tràn đầy yêu thương.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/chau-trai-10-tuoi-ham-choi-game-4096707.html)

Chủ đề liên quan:

chơi game ham chơi nghiện game

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY