Ngày 22/4, tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết bệnh nhi nhập viện với sinh hiệu ổn, không khó thở, không ghi nhận hội chứng xâm nhập. Chụp Xquang ghi nhận dị vật ở vùng cổ. Các bác sĩ nội soi dùng dụng cụ khép hai càng lò xo kim loại lại và nhẹ nhàng gắp ra ngoài để hạn chế thương tổn.
Bố bệnh nhi cho biết bé bị rối loạn tự kỷ, khi đang chơi thì nôn ói, đau họng, vướng họng nên gia đình nghi ngờ hóc dị vật, đưa vào viện khám.
Dị vật trên phim Xquang. Ảnh: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM
"Đây là một trong những dị vật hiếm gặp, trong 30 năm hành nghề mới gặp lần thứ ba", bác sĩ Minh cho biết. May mắn, sau lấy dị vật, bé chỉ trầy xước niêm mạc thành sau họng. Hiện, bé hồi phục tốt, ăn uống vui chơi bình thường.
Theo bác sĩ Trương Mỹ Thục Uyên, viện Tai Mũi Họng, trẻ tự kỷ dễ có những hành động gây ảnh hưởng đến sức khỏe hơn trẻ bình thường. Đặc biệt trong thời gian Covid-19, các em gián đoạn đến trường, dễ thoái lui những tiến bộ đã được học trước đó, dẫn đến hành vi khó kiểm soát.
"Dị vật này nếu để lâu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể sưng tấy, nhiễm trùng, áp xe, gây suy kiệt, thậm chí nguy hiểm tính mạng", bà Uyên nói.
Chiếc lò xo được lấy ra ngoài. Ảnh: Lê Phương
Gần đây, bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận nhiều ca hóc dị vật. Bác sĩ cảnh báo khi ăn uống, trẻ tránh vừa ăn vừa cười đùa, phải ăn chậm nhai kỹ. Phụ huynh chú ý không cho các em chơi những đồ vật nhỏ, dễ tháo lắp. Khi cho trẻ ăn phải lấy sạch xương, cẩn thận bỏ hạt trái cây.
Chủ đề liên quan:
tp hcm