Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chuyên gia: Nếu BN243 ở Mê Linh là người lành mang trùng vẫn có thể lây qua giọt bắn

(MangYTe) - Theo chuyên gia cần phải hiểu đúng về thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2, không phải ngẫu nhiên các nhà khoa học lại đưa ra con số 14 ngày với loại virus này.

Chiều ngày 6/4, Bộ Y tế đã thông về trường hợp bệnh nhân 243, nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội mắc Covid-19.

Trước đó vào ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện.

Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo trạm y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh.

Ngày 4/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Nhiều thông tin cho rằng bệnh nhân trên có thời gian ủ bệnh kéo dài lên tới 23 ngày. Trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung cho hay thời gian ủ bệnh được tính từ thời điểm xâm nhập (nhiễm virus) vào cơ thể tới khi có triệu chứng, không phải tính thời điểm xét nghiệm.

Thường thời gian ủ bệnh Covid-19 trung bình từ 5-6 và thời gian kéo dài nhất là 2 tuần. Ví dụ, như bệnh sởi, sốt xuất huyết cũng lấy thời gian ủ bệnh là 2 tuần.

Việc xác định thời gian ủ bệnh của một loại virus sẽ có giá trị dịch tễ rất quan trọng: Đánh giá tốc độ lây lan, quyết định bệnh nhân có mắc bệnh hay không, có ý nghĩa đối với việc công bố hết dịch...

Nhận định về trường hợp bệnh nhân 243 tại Mê Linh, Hà Nội PGS. Huy Nga cho rằng có khả năng bệnh nhân rất đã qua thời gian phát bệnh nhưng vẫn mang virus trong cơ thể cho nên thời điểm đó xét nghiệm kết quả dương tính. Trường hợp này có thể hiểu là người lành mang virus, cần phải xét nghiệm thêm nhiều lần để khẳng định về khả năng này.

"Đối với trường hợp người lành mang virus vẫn sẽ có nguy cơ lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc gần qua giọt bắn. Vì vậy, tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 theo phác đồ điều trị mới tiêu chuẩn khỏi bệnh là phải có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sẽ tiếp tục cách ly thêm 14 ngày", PGS. Huy Nga nói.

Chuyên gia khuyến cáo do bệnh Covid-19 lây qua chủ yếu tiếp xúc gần nên dân cần làm tốt việc cách ly xã hội vẫn cần phải thực hiện tốt, thực hiện đúng các biện pháp cá nhân không tụ tập quá 2 người, đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần, rửa tay…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, đối với những trường hợp người lành mang trùng (khỏi bệnh nhưng vẫn còn virus) khả năng lây bệnh cho người khác vẫn có thể xảy ra.

Virus tồn tại trong người lành thời gian bao lâu sẽ phụ thuộc vào miễn dịch của cơ thể đó. Nếu miễn dịch tốt sẽ tự đẩy virus ra, nhưng nếu miễn dịch yếu thì virus sẽ tồn tại trong ở thể kéo dài.


Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:

1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.

2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.

3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.

4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.

6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.

8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.

9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.

10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.

Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.

Ngọc Minh - Trí thức trẻ

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/chuyen-gia-neu-bn243-o-me-linh-la-nguoi-lanh-mang-trung-van-co-the-lay-qua-giot-ban-8202074144920159.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY