Phóng sự hôm nay

Chuyện ở “Làng góp Vũng Rô”

Mênh mông, gần gụi, cuồng nộ, dịu dàng, ân tình, thủy chung... là những từ ngữ người Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) dành cho biển dã.

Cái eo ngắn từng là nơi cập bến của đoàn tàu không số huyền thoại năm xưa, giờ đây chặn gió, cản mưa, bao bọc cho những ngư dân tứ xứ tụ về, quanh năm cần cù, hồn hậu, chân chất.

Góp lại từ nhiều miền quê, thôn Vũng Rô thật đặc biệt, đó là nơi giao thoa của nhiều nét văn hóa, tập quán khác nhau. Từng dạt qua nhiều vùng đất nhưng luôn như có sự réo gọi trong tâm tưởng nên ông Trương Văn Hòa lại quay về làng Vũng Rô bằng tâm thế xốn xang, gắn bó, yêu thương. Lật lại ký ức, ông Hòa cũng như những công dân kỳ cựu ở Vũng Rô thấu hiểu và vỡ lẽ ra rằng: Ở đâu có yêu thương và niềm tin, đùm bọc thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ, dẫu bão tố vẫn thường xuyên ập đến với làng.

Người Vũng Rô sáng tạo các mô hình nuôi thủy hải sản sạch.

Từ những ngày gian khó, quân dân đã đùm bọc, viên Thu*c cũng sẻ chia nhau, bát cơm ngon cũng nhường nhịn nhau, con cá, con tôm cũng nhường. Lẽ sống ấy vẫn được người làng Vũng Rô ôn lại, truyền kể trong mỗi dịp cuối tuần. Đó là động lực để vươn dậy.

Bằng niềm tin bền bỉ, vượt bao cam go, năm 1986, các địa danh ở Vũng Rô gồm bãi Mù U, bãi Lách, bãi Ngà, bãi Chùa, bãi Hồ, bãi Hương, bãi Chính, bãi Lau, bãi Bàng, bãi Nhãn, mũi Yến, mũi Điện và hòn Nưa hợp lại thành làng Vũng Rô bây giờ. Đó cũng là lúc sức sáng tạo trong những ngư dân cần cù, nhân từ bung nở. Lập làng xong, năm 1987-1988, từng tốp người ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế... nô nức kéo đến để nhập cư và xem đây như quê hương mới của mình. Nhiều người vẫn hay nôm na gọi thôn Vũng Rô là “Làng góp Vũng Rô”.

Đi qua hầu hết biến cố, thăng trầm của Vũng Rô, ông Hồ Bon tâm tình: Lạ thật. Hoàn toàn chưa biết nhau nhưng nhóm dân cư nào đến, người dân Vũng Rô cũng xem như bạn hữu, người nhà, chào đón rất nồng hậu. Trai tráng có sức khỏe vạm vỡ thì xuống nhà bè, trải nghiệm cùng sóng nước, nuôi trồng thủy hải sản. Phụ nữ và người già thì dựng nhà phía bờ để buôn bán các sản vật từ biển khơi.

Để xóa bớt nhọc nhằn trong lao động thường nhật, mỗi cuối tuần hay ngày lễ, người dân gốc tỉnh nào thì nghĩ ra một “đặc sản” văn hóa, văn nghệ của tỉnh đó để biểu diễn. thuộc hàng chục làn điệu dân ca, âm nhạc cổ truyền xứ huế như: huế lý mười thương, huế yêu non nước hương bình, huế nhớ người dưng... vợ chồng chị nguyễn thị lan (gốc phú lộc, thừa thiên huế) mang ra “làm quà” ngay ngày đầu đặt chân đến vũng rô. khi ấy, cả làng còn heo hút, tiếng ca cất lên là người nọ í ới người kia đến nghe. đáp trả lại cư dân mới, anh lý văn đợi đã hát vang một lúc hàng chục làn điệu bài chòi gồm cả những làn điệu do chính anh sáng tác. sau đó thì cùng ngồi lại với nhau bàn cách xây dựng đời sống mới, làm giàu cho và làng.

Nhìn những căn nhà khang trang, mọc lên san sát nơi bờ biển, anh Đợi trầm trồ: Cuộc “lột xác” quá thần kỳ, chẳng khác nào đô thị. Mới ngày nào phải mang cá, tôm đi chia nhau hoặc ra đường quốc lộ đổi lấy lương thực thì giờ ôtô, xe máy chạy vi vu, ai cũng biết hát hàng chục thể loại âm nhạc đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau, tệ nạn bị đánh bay bởi văn hóa truyền thống, hiếm nơi nào có những nét thú vị như làng Vũng Rô.

Từ nhiều tỉnh góp về, người dân nơi đây đã góp phần xây dựng làng Vũng Rô ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Căng mình vượt qua những khó khăn bước đầu, người dân Vũng Rô học cách hội nhập và lo cho sức khỏe của người dùng. Sau những tiết mục văn nghệ, ngư dân Vũng Rô lại mang chuyện làm hải sản sạch mang “thương hiệu Vũng Rô” ra bàn. Lúc đầu, ai cũng bỡ ngỡ nhưng khi được phân tích kỹ lợi ích nhiều mặt, tất cả đều phấn khởi làm theo. Cả làng Vũng Rô cam kết, không sử dụng tạp chất, hóa chất bảo quản tôm, cá. Không dùng chất kích thích hay bất kỳ bột tăng trưởng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Như cảm nhận được sự khác biệt của thủy hải sản ở Vũng Rô, thương lái tấp nập đến đặt hàng. Cứ nhận một đơn hàng, người Vũng Rô lại đưa ra một cam kết vì sức khỏe người dùng. Chẳng mấy chốc, mặt nước của eo biển Vũng Rô mọc lên hàng trăm nhà bè, kết tụ như những xóm dân cư trên đất liền.

Vốn có gốc gác mấy đời làm nghề bốc Thu*c Nam ở Quảng Ngãi, ngư dân Nguyễn Thanh Đức đến thăm Vũng Rô một lần rồi bén duyên luôn. Nhìn làn sóng biển ngát xanh và bình yên, anh Đức ước vọng rằng: Từ đây sẽ có nhiều vụ mùa bội thu. Mùa thu năm 2019 này, khách cả nước đặt hàng thủy hải sản Vũng Rô hàng trăm tấn, giá đắt hơn nơi khác vì đó là mùa đánh bắt chính vụ (vụ này thường kết thúc trong tháng 10 vì lúc đó nhiều mưa bão). Đắt hàng là vậy nhưng nếu ngư dân nào ở Vũng Rô độn thêm hàng trôi nổi, không còn đảm bảo chất lượng sẽ bị làng khiển trách ngay.

Nhiều ngư dân Vũng Rô sống trong những nhà bè nhưng vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi khi bất thình lình có sóng dữ, điện thoại mất liên lạc, bè nhà ai gặp chuyện chẳng lành sẽ phát tín hiệu cho các bè khác bằng chiếc gậy dựng ngược, đầu gậy treo chiếc áo đen phơ phất. Nếu là chuyện mừng vui, gọi nhau đến nhậu hay họp bàn chuyện gì thì treo con chim én giả bện bằng vải lên chiếc cọc cao nhất quanh căn nhà gỗ. Ai thấy tín hiệu đều tấp vào ngay, không cần do dự. Có những người dân khi bị trọng thương, điều kiện ngoài biển còn khó khăn, những cư dân trên làng bè xông xáo với tinh thần “thương người như thể thương thân”, người lo lái ca nô, người gọi sẵn xe cấp cứu trực ở trên bờ, người chuẩn bị tiền nong...

Đến Vũng Rô từ những ngày đầu thành lập làng, bà Nguyễn Thị Thu luôn nhắn nhủ với các thế hệ con cháu của mình hãy thương yêu nhau như sự mênh mông của biển cả. Trong ký ức người Vũng Rô vẫn nhớ rõ, đêm cuồng phong vần vũ không lâu trước, hình bóng của ông Trần Văn Tụng méo xẹo và như tạc sâu vào vách căn nhà gỗ đang chùng chiềng theo con nước. Do không nắm bắt kịp các thông tin thời tiết, nhà bè của ông gia cố không kịp, 2 đứa con lạc theo dòng nước hun hút giữa biển đêm. Vợ chồng ông gào khóc, những giọt buồn đau như tan thấm cả vào tim gan. Nhưng rồi, cả làng chài nỗ lực kiếm tìm, 2 đứa con của ông Tụng đã an toàn trở về cùng với sự yên bình trở lại của sóng nước. Niềm mừng vui hòa chung với tình gắn bó xóm giềng.

Dẫu cuộc sống sung túc như đô thị, những vụ nuôi trồng bội thu đã đổi đời hàng ngàn thân phận con người nhưng ký ức của cư dân ở Vũng Rô về “mẹ biển” luôn khắc sâu. Những khoảnh biển từng mướt mồ hôi đóng cọc thăm dò, xước rách bàn tay để dựng ván làm nhà trở thành một phần máu thịt của họ.

Từng có những giọt nước mắt trong ngày tháng xưa cũ khi anh Trần Bình Tú (gốc ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) chẳng may bị cọc nhà bè do người khác làm ẩu để lại dưới biển đâm lủng chân. Sau sự cố đó, mỗi người dân Vũng Rô tự nhắc mình tuyệt đối không làm ô nhiễm biển, không cắm, vứt cọc bừa bãi dưới biển.

Ngư dân Trần Bình Tú thổ lộ: Cứ sau mỗi chuyến vươn khơi, ngày cuối tuần, chúng tôi lại quây quần bên đình làng Vũng Rô vừa gửi đi lời khẩn cầu, niềm hân hoan vừa trao đổi nhau những kinh nghiệm xây dựng nếp sống gia đình, kỹ thuật nuôi cá bè kiểu mới. Đất nước đổi mới, các phương thức nuôi trồng, sản xuất của ngư dân cũng phải đổi mới theo.

Đã có người đến đặt vấn đề với người Vũng Rô nuôi trồng một số mặt hàng để phục vụ cho xuất khẩu, khát vọng mới đã được mở ra. Nông dân cũng phải đổi mới tư duy để hội nhập.

Hiện thôn Vũng Rô có trên 1.300 nhân khẩu với khoảng 400 hộ dân, tất cả đều ấm no, khá giả. Trẻ em đến trường đầy đủ. Các dịch vụ chăm sóc y tế được người dân chú trọng quan tâm.

Cuộc sống hiện đại, những ngư dân Vũng Rô kiêm luôn cả nghề hướng dẫn viên đặc biệt. Thuộc thế hệ trẻ nhất làng, Huỳnh Văn Công chia sẻ: Làng này mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến, nhất là dịp lễ hay ngày nghỉ. Họ mê đắm với khung cảnh thiên nhiên và con người nơi đây. Họ cũng ngất ngây với sự phong phú trong đời sống văn hóa và những câu chuyện về biển, đảo do chính những ngư dân kể. Vậy nên, người già thì kể chuyện xưa, người trẻ thì tận tình dẫn khách đến các điểm ăn uống, các bè nuôi thủy hải sản theo quy trình sạch. Có người vừa dầm mình bắt cá hôm trước, hôm sau có thể nói tiếng Anh vanh vách và lấy xuồng máy chở khách phiêu diêu trên biển cảm nhận đổi thay của xứ “hoa vàng cỏ xanh”.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/chuyen-o-lang-gop-vung-ro-n163683.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY