Làm việc tại nhà đem lại một số lợi ích nhất định, đặc biệt là trong đại dịch, song nó cũng để lại nhiều hệ lụy đối với cơ thể và sức khỏe nói chung.
Mới đây, công ty DirectlyApply phát triển một mô hình có tên Susan, chỉ ra các biến đổi về cơ thể sau 25 năm của những người làm việc tại nhà.
Susan được tạo ra bởi một nhóm các nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia thể hình. Họ cho rằng làm việc tại nhà quá lâu có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra các hiện tượng như hội chứng thị lực máy tính, ngồi sai tư thế, căng thẳng kéo dài, rụng tóc...
Việc nhìn chằm chằm vào màn hình có thể gây khô mắt, viêm giác mạc, kích ứng đỏ, mờ mắt. Theo thời gian, tình trạng này khiến thị lực của người bình thường giảm sút. Hội chứng thị lực máy tính cũng có thể xảy ra khi làm việc ở môi trường văn phòng tiêu chuẩn, không gian mở vẫn giúp chúng ta nghỉ ngơi, nói chuyện với các đồng nghiệp nhiều hơn. Những buổi họp giao ban hàng sáng tại công sở cũng hiếm khi cần đến sự tham gia của máy tính.
Ngay cả khi cố gắng hạn chế tối đa thời gian sử dụng máy tính, làm việc tại nhà đôi khi khiến chúng ta ngồi sai tư thế, lười di chuyển khiến phần cổ bị hạ quá thấp. Như vậy, bệnh lý gù lưng sẽ phát triển theo thời gian. Hình ảnh Susan cũng vì thế mà có phần lưng cong xuống dù đang đứng thẳng.
Bên cạnh đó, chỉ ngồi một chỗ và gõ bàn phím trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng đau cổ và cánh tay, còn gọi là chấn thương do hoạt động lặp đi lặp lại quá độ (Repetitive typing strain - RSI).
Mô hình của DirectlyApply còn bị rụng tóc, thể hiện vấn đề điển hình mà những người thường ở trong nhà gặp phải. Các nang tóc của con người yếu đi đáng kể nếu thiếu lượng vitamin D nhất định. Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy bổ sung vitamin D có thể trị bệnh hói đầu ở cả nam và nữ. Bên cạnh các loại rau củ và thức ăn thông thường, con người hấp thụ vitamin D chủ yếu thông qua ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, làm việc từ xa quá lâu có thể gây rụng tóc, đôi khi là còi cọc.
Susan cũng có quầng thâm lớn ở mắt, chủ yếu do thiếu ngủ. Thực tế, một số nhân viên công sở thậm chí có xu hướng làm việc với thời gian dài hơn khi ở nhà.
Theo các chuyên gia của DirectlyApply, mô hình gặp hội chứng "tech neck" - đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ. Đây là thuật ngữ mới, xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do nhiều người có thói quen cúi đầu nhìn xuống màn hình máy tính xách tay hoặc điện thoại quá lâu.
Khi làm việc từ xa, các nếp nhăn sẽ xuất hiện sớm hơn. Dù đây là một tình trạng tự nhiên của quá trình lão hóa, thói quen nheo mắt nhìn màn hình do ánh sáng trong nhà không đủ tiêu chuẩn có thể khiến vết chân chim hình thành. Chính vì vậy, Susan có làn da khô, xỉn màu và nhiều nếp nhăn.
Không được tiếp xúc với nhiều người và làm việc quá sức có thể khiến nồng độ hormone cortisol gây căng thẳng tăng lên, dẫn đến cao huyết áp, ảnh hưởng sức khỏe thể chất.
Để giảm thiểu các tác động xấu của làm việc từ xa, hay công việc văn phòng nói chung, Kate Brierton, chuyên gia tâm lý lâm sàng khuyến nghị: "Hãy cố gắng giữ cho không gian làm việc tại nhà tách biệt với nơi nghỉ ngơi. Lý tưởng nhất là bố trí một phòng riêng biệt. Nhưng nếu không thể, bạn hãy sắp xếp đồ đạc, sử dụng cây cảnh hoặc tranh ảnh để phân định rõ các khu vực này, hoặc ngăn cách bằng một tấm thảm".