Người đàn ông 68 tuổi, ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tối 29/10 bị tăng huyết áp đột ngột, gục xuống trong nhà, gọi không nghe, gần như không còn biết gì. Con gái ông, chị Nguyễn Thị Nga chạy đến vừa đỡ bố vừa gọi chồng. Lúc ấy mưa ngày một to, nước ngập sâu cuốn trôi nhiều đồ đạc trong nhà. Chị Nga bất lực nhìn bố hơi thở yếu, tay chân không còn cảm giác. Nghe tiếng chị kêu cứu, một người hàng xóm chạy đến. Mọi người cấp tập gọi xe đi viện nhưng đều bị từ chối.
Toàn tỉnh Nghệ An lúc đó mưa rất to, nước lũ tại các khe suối nhỏ dâng cao. Hàng nghìn hộ dân bị nước cô lập hoàn toàn, có nhà ngập hơn một m, đồ đạc không kịp di tản. Nhiều người lên mạng xã hội đăng tin cầu cứu lực lượng cứu hộ.
"Không biết làm thế nào, tôi gọi cho con gái ở xa lên mạng tìm người cứu giúp, một cái xuồng hay bè hay bất cứ cái gì có thể di chuyển", chị Nga nhớ lại.
Cuối cùng chị cũng gọi được xe, song đường ngập nên xe không thể vào nhà đón người bệnh. "Thật sự bất lực", chị Nga tính ở nhà, mặc điều gì xảy đến thì đến. Còn chồng chị quyết cõng bố ra đường quốc lộ để đón xe. "Đấy là cách duy nhất", anh nói lớn.
Trời lúc này đã khuya, mưa ngày càng xối xả. Cả bốn người không chần chừ, cõng bệnh nhân và lội chân đất di chuyển trong đêm. Mưa tạt vào mặt, lạnh ngắt khiến bước chân mọi người như chậm lại. Nhiều lúc gió to, họ phải lê từng bước, vừa mò đường vừa đi. Người bệnh được quàng tạm một chiếc áo mưa, toàn thân cứng đơ, không còn nhận thức.
Trên đường đi, đoàn người gặp một cây cầu bị ngập cao không còn nhìn thấy hai thanh cầu để bám vào, bên dưới dòng nước chảy xiết, lại trơn trượt. Thấy khó, một người đi trước dò đường, ba người nối đuôi đi theo. May mắn không ai bị ngã.
Cõng được khoảng 6 km, chị Nga bắt gặp 4 người trong đội cứu hộ, vì xe không vào được nên đã lội nước vào đón người bệnh. Thêm người, thêm sức, đường đến bệnh viện như ngắn lại.
Đi thêm khoảng 10 đến 15 phút sau, cả đoàn nhìn thấy ánh đèn xe cứu hộ đã đứng chờ sẵn trên đường quốc lộ. Chiếc xe bán tải vượt mưa bão, đưa cả nhà xuống bệnh viện huyện Thanh Chương, cách đó khoảng 12 km.
Bệnh nhân đến bệnh viện lúc 2h sáng ngày 30/10, toàn thân ướt sũng. Bác sĩ trực nhanh chóng sơ cứu, thay quần áo cho người bệnh rồi chuyển thẳng vào phòng cấp cứu.
Cụ ông và con gái là chị Nga tại bệnh viện, liên tục cập nhật tình hình cho người thân ở xa qua điện thoại. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo bác sĩ ngô xuân tráng, khoa cấp cứu, cho biết bệnh nhân ngã do tai biến đột quỵ não, vào viện đã mất ý thức. bệnh nhân được kiểm soát huyết áp và chụp cắt lớp, xác định xuất huyết não. "tình trạng bệnh nhân nặng, song không thể chuyển xuống viện tỉnh do tuyến đường đi ngập lụt và sạt lở ngăn cách", bác sĩ tráng chia sẻ.
Nhận được tin, bác sĩ Nguyễn Thịnh Khuyên, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương, đã liên lạc bệnh viện tỉnh và tiến hành hội chẩn từ xa để điều trị tích cực cho người bệnh.
Bệnh nhân hiện tại vẫn nguy kịch, phải cho ăn qua sonde dạ dày, lúc tỉnh lúc mê, được bác sĩ chăm sóc đặc biệt.
"Bệnh nhân tai biến từ 7h tối nhưng sáng sớm mới vào viện khiến mức độ chảy máu não nặng, huyết áp cao, rất nguy hiểm. Giá như không ngăn cách do bão lũ, bệnh nhân có thể đến viện sớm thì tình trạng sẽ khả quan hơn rất nhiều", bác sĩ nói.
Hiện mưa đã ngớt nhưng nước vẫn dâng cao. Bệnh viện bị sụp đổ 50 m tường rào. Đến 15h chiều 30/10, điện khôi phục, công tác điều trị bệnh nhân diễn ra bình thường.
Túc trực bên bố, chị Nga mệt mỏi nhưng vẫn cảm thấy may mắn khi mọi người đến viện an toàn. "Nhà cửa, đồ đạc cũng cuốn trôi theo dòng lũ, tôi giờ chỉ biết cầu nguyện cho bố vượt qua bạo bệnh", chị Nga nói.
Chủ đề liên quan:
cấp cứu cấp cứu mưa bão Câu chuyện sức khỏe cõng người bệnh đi viện đi cấp cứu đột quỵ ghi nhận