Nga và Trung Quốc đã cam kết hợp tác để đẩy lùi dịch Covid-19 và cả hai đều chỉ trích việc Mỹ tìm cách đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết duy trì một mặt trận thống nhất đối phó Covid-19. Hai nhà lãnh đạo đã 3 lần điện đàm kể từ tháng 3.
Tuy nhiên, việc Nga trở thành điểm nóng bùng phát dịch toàn cầu đang đe dọa nỗ lực của Trung Quốc ngăn làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Một số nhà quan sát tin rằng Nga đang xích lại gần Mỹ hơn với việc ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump 6 lần điện đàm trong thời gian đó. Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung hôm 26/4 với lập trường hai quốc gia gác lại bất đồng, xây dựng niềm tin hướng đến những điều lớn lao hơn. Trong khi tuyên bố gây bất ngờ cho chính giới chức Mỹ, một số chuyên gia coi đây là dấu hiệu cho thấy sự ấm lên trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, một phần bởi động thái đóng cửa biên giới của Nga với Trung Quốc ngay khi dịch mới bùng phát ở Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
"Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc rất sớm, gây phiền toái cho nhiều công dân Trung Quốc ở Nga", chuyên gia Shi nói.
Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại Carnegie Moscow, bình luận đại dịch Covid-19 đã thử thách mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, nhưng “đến nay, hai nước đều đã vượt qua phép thử này”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong một cuộc điện đàm hôm 16/4, Tổng thống Putin nói rằng, Nga phản đối bất cứ hành động bôi nhọ nào nhằm vào Trung Quốc liên quan đến cách ứng phó dịch Covid-19. Trung Quốc cũng cử đội ngũ chuyên gia và vật tư y tế hỗ trợ Nga ứng phó dịch.
Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn Covid-19 lây lan đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của cả hai nước, Nga đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu lao dốc. Một số nhà quan sát cảnh báo, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng sau khi một công ty nhà thầu làm việc cho tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ ngừng hoạt động tại một mỏ khí đốt ở Siberia vốn cung cấp cho Trung Quốc vì một số công nhân mắc Covid-19.
Tuy nhiên, Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, nói rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể là đòn bẩy để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và nỗ lực phục hồi kinh tế có thể thúc đẩy nhu cầu đối với năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ông Gabuev cũng cho rằng, nếu Nga muốn bán nhiều dầu hơn cho Trung Quốc, Bắc Kinh có thể ra điều kiện để các doanh nghiệp của họ có khả năng tiếp cận tốt hơn tới những mỏ dầu Nga.