Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Cử tri hỏi, UBND TP trả lời Nghiên cứu xử phạt hành vi sử dụng bếp than gây ô nhiễm môi trường

(MangYTe) Cử tri đề nghị Thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ gây mất vệ sinh môi trường, gây mất an toàn giao thông; không sử dụng than tổ ong trong các khu tập thể để đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời nghiên cứu hình thức hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức hiệu quả để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết:

1. Chương trình tuyên truyền hạn chế không đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố:

- Hiện trạng

Theo thống kê, hiện có 20 quận, huyện (17 huyện, thị xã và quận Hà Đông, Long Biên) với tổng diện tích trồng lúa là hơn 101.295 ha, phát sinh hơn 731.544 tấn rơm,rạ /năm; Khi đốt bỏ, lượng rơm, rạ đó tạo ra CO2, CH4, CO... việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí gây hiện tượng khói mù làm cay mắt, hạn chế tầm nhìn của người và các phương tiện tham gia giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.

Để cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tuyên truyền về tác hại của đốt rơm rạ đến sức khỏe và môi trường, đồng thời giới thiệu các giải pháp thay thế việc đốt rơm rạ sau vụ mùa. Ngoài ra, Sở đã định kỳ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình triển khai nhiệm vụ hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội. Qua kiểm tra, một số Huyện đã tích cực huy động cả bộ máy chính quyền vào cuộc như Đông Anh, Đan Phượng, tình trạng đốt rơm rạ có xu hướng giảm nhưng chưa triệt để ở tất cả 20 quận, huyện nêu trên.

- Giải pháp

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND thành phố đưa vào kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm của thành phố năm 2020, chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch UBND thành phố, báo cáo kết quả thực hiện tại các cuộc hợp giao ban của thành phố; trong đó tập trung vào phổ biến tuyên truyền và xử lý nghiêm tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; quy định cụ thể trách nhiệm và kỷ luật khen thưởng đối với các bí thư, chủ tịch xã, phường trong việc thực hiện xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ tại địa phương; Đồng thời kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và trong nước hỗ trợ nghiên cứu các mô hình quản lý và thu gom rơm rạ để tạo ra nhiên liệu đốt, trồng nấm, thức ăn gia súc.

2. Chương trình hạn chế, không sử dụng than tổ ong trên địa bàn thành phố

- Hiện trạng:

Việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày đã tạo ra chất thải, khí thải độc hại như bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2, tác hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng dân cư, ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài giá thành rẻ và thói quen của người sử dụng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về tác hại của than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường còn hạn chế, công tác tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội còn thiếu quyết liệt.

Trong năm 2017, thành phố đã tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn, trong đó tổng số bếp than sử dụng trên địa bàn là 55 nghìn bếp (63% bếp được dùng trong nội thành và 27% bếp sử dụng ở ngoại thành). Hầu hết các quận, huyện đã tiến hành tuyên truyền, tập huấn cho người dân về tác hại của bếp than tổ ong và giới thiệu các giải pháp thay thế bếp thân thiện với môi trường và an toàn. Theo báo cáo kết quả thực hiện của các quận huyện tính đến ngày 31/11/2019, số lượng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố đã giảm 58%, nhiều quận, huyện đã triển khai tốt, số lượng bếp than tổ ong giảm đảng kể như quận Long Biên (80,3%); huyện Ứng Hòa (71,9%) và quận Hoàn Kiếm (65,5%). Tuy nhiên cũng có một số quận huyện chưa có báo cáo về kết quả thực hiện như quận Hoàng Mai, huyện Hoài Đức, huyện Thường Tín, thị xã Sơn Tây.

- Giải pháp trong thời gian tới:

Ngày 30/10/2019, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường với lộ trình thực hiện như sau:

Từ ngày 31/10/2019 đến ngày 31/12/2019: Tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Thành phố loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn;

Từ ngày 31/10/2019 đến ngày 31/12/2020: Thực hiện các biện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố.

Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021: Nghiên cứu, áp dụng chế tài xử phạt cho các hành vi sử dụng bếp than trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường và các Nghị định khác để xây dựng các quy định cụ thể theo Luật Thủ đô.

Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường, các quy định về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai và các yêu cầu về quản lý kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong trên địa bàn Thành phố.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/cu-tri-hoi-ubnd-tp-tra-loi-nghien-cuu-xu-phat-hanh-vi-su-dung-bep-than-gay-o-nhiem-moi-truong-361388.html)

Tin cùng nội dung

  • Sử dụng các trang web truyền thông xã hội như facebook có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm nếu việc này gây nên lòng đố kỵ hoặc cảm giác ghen tị ở bạn.
  • Một nhóm chuyên gia thuộc ĐH Harvard vừa công bố báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm môi trường với chứng tự kỷ ở trẻ trong giai đoạn mang thai của người mẹ.
  • Chào Mangyte, Em bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và phải sử dụng dụng cụ hít nhưng không biết sử dụng sao cho đúng. Em nghe nói BV Đại học Y dược TPHCM có tổ chức tư vấn sử dụng dụng cụ hít, không biết điều này có đúng không? Kính mong Mangyte tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn.
  • Như báo SKĐS đã đăng tải một số trường hợp bệnh nhân bị hôn mê sâu sau khi dùng an cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH). Để giúp bạn đọc hiểu thêm và dùng đúng về loại Thu*c này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của lương y Vũ Quốc Trung.
  • Hiện trên thị trường đông dược nước ta có một loại Thu*c đang được quảng bá rộng rãi và bán với giá khá đắt là An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH). Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, do nhiều lý do khác nhau, việc nắm vững công dụng, chỉ định và cách dùng cụ thể chế phẩm này còn không ít khiếm khuyết.
  • Điều khoản và điều kiện sử dụng trang web Mạng y tế (mangyte.vn). Bao gồm: từ chối trách nhiệm, những lợi ích bên ngoài, chính sách bảo mật, sự đảm bảo và giới hạn trách nhiệm.
  • Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt, nó thay thế và tái tạo lại các mô bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, tuổi tác... Nghiên cứu tế bào gốc đem lại hy vọng…
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Trong quá trình điều trị, trẻ em mắc bệnh ung thư thường phải dùng steroid như: prednisone hoặc dexamethasone. Trẻ em dùng steroid thường cảm thấy đói vào mọi lúc và có thể tăng cân.
  • Chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi bé thực sự bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY