Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Đang gặp khó vì COVID-19, doanh nghiệp địa ốc còn thêm mối lo bị thâu tóm

Các doanh nghiệp bất động sản đang phải đương đầu tình thế khó chồng khó do vướng mắc pháp lý và dịch Coronavirus 19 (COVID-19). Chưa hết, nhiều chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp địa ốc trong nước lúc khó khăn này còn có thêm nguy cơ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ xô vào Việt Nam, UBND TP.HCM vừa giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản thành phố trong thời gian qua, đồng thời làm rõ các xu hướng đầu tư, các bất cập trong quản lý để tham mưu biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM được giao quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP.HCM, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản dự án.

UBND TP.HCM cho biết, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng khi đang gặp khó khăn, doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị doanh nghiệp ngoại "thâu tóm".

Vài năm trở lại đây, bất động sản trở thành ngành dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH- ĐT) cho thấy, vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2019 đạt trên 38 tỉ USD, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó bất động sản thu hút được 3,88 tỉ USD, đứng thứ hai về ngành, nghề thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

JLL Việt Nam cũng cho biết, hiện tại có hàng trăm triệu USD đang chờ được đầu tư vào thị trường ở hầu hết các phân khúc bất động sản, trong đó nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc là khá quan tâm.

Tuy nhiên thời gian gần đây, những vướng mắc pháp lý còn tồn tại các dự án và tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến thị trường và doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Ghi nhận từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, trong 2 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó, chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu khoảng 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% trong năm 2018.

Điều đáng quan ngại là đến cuối năm 2019, tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỉ đồng, tăng 38% so với 1 năm trước đó. Trong số này có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng, có 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỉ đồng đến 7.397 tỉ đồng.

Chưa kể, từ năm 2017 đến nay, TP.HCM có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có sử dụng đất công thuộc diện phải tạm dừng để rà soát. Đến tháng 3.2019, có 124 dự án được vận hành trở lại nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chưa thể được hoạt động bình thường. Kinh doanh sụt giảm liên tục trong 2 năm gần đây, rồi từ đầu năm đến nay lại chịu thêm tác động của dịch Covid-19 nên khó khăn của doanh nghiệp bất động sản càng trầm trọng hơn.

Diễn biến trên thị trường huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản hiện cũng không hề dễ dàng. Huy động vốn ngân hàng ngày càng khó khăn hơn vì lộ trình siết tín dụng ngày càng chặt. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán cũng liên tục lao dốc do ảnh hưởng của COVID-19. Điều này khiến giá cổ phiếu giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư e ngại nên việc doanh nghiệp địa ốc gọi vốn qua thị trường chứng khoán rất khó khăn.

“Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó, nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA khuyến nghị.

Phan Diệu

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/dang-gap-kho-vi-covid-19-doanh-nghiep-dia-oc-con-them-moi-lo-bi-thau-tom-134771.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY