Kinh tế xã hội hôm nay

ĐBQH: Thanh tra vào cuộc sẽ trả lời rõ tất cả lùm xùm mua sắm máy xét nghiệm COVID-19

ĐB Hòa cho hay, trong lúc cả nước đang tập trung chống dịch COVID-19 thì việc câu kết, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch không thể chấp nhận được.

Thanh tra, minh bạch là rất cần thiết

Ngày 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế..., nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 người có liên quan đến sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19.

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, với những vấn đề được báo chí, dư luận nêu ra ở một số địa phương về việc mua hệ thống máy xét nghiệm COVID-19 giá cao và vi phạm tại CDC Hà Nội thì chỉ đạo của Thủ tướng về rà soát, thanh tra rất kịp thời, chính xác.

Một hệ thống xét nghiệm.

Theo ông Hòa, với việc nhiều địa phương thực hiện việc chỉ định thầu, mua sắm các máy xét nghiệm COVID-19 với giá cao đã đặt ra các câu hỏi như chỉ định thầu tiến hành như thế nào? Ai phê duyệt? Giá nhập khẩu của máy là bao nhiêu? Xuất xứ hàng hóa ra sao?

"Việc chỉ đạo của Thủ tướng trong lúc này rất đúng đắn, cần thiết và theo tôi, chỉ cần thanh tra vào cuộc có thể trả lời rõ được tất cả những vấn đề dư luận quan tâm.

Quá trình thanh tra cần chỉ rõ, quy trách nhiệm cụ thể với các cá nhân liên quan nếu phát hiện vi phạm. Với những trường hợp vi phạm được phát hiện như tại CDC Hà Nội cần chuyển tiếp sang cơ quan công an điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Còn không có vi phạm thì trả lời cho dư luận rõ về việc mua sắm này", ông Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cho hay, trong lúc cả nước đang tập trung chống dịch COVID-19, đặc biệt nhiều y, bác sỹ cùng lực lượng khác ở tuyến đầu phải chịu rất nhiều khó khăn, vất vả, khó nhọc thì việc câu kết, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch không thể chấp nhận được.

"Vụ việc ở CDC Hà Nội rõ ràng là một "con sâu làm rầu nồi canh", bởi tình hình dịch COVID-19 rất căng thẳng và trang thiết bị y tế, máy xét nghiệm cực kỳ quan trọng, nhưng có những người lại lợi dụng vào đó để trục lợi, để bỏ túi riêng là hành vi vi phạm đạo đức y tế, xã hội.

Việc Bộ Công an nhanh chóng điều tra, xác định, khởi tố, bắt giam các cá nhân liên quan và tiếp tục làm rõ thêm cho thấy quyết tâm xử lý nghiêm hành vi trục lợi, tham nhũng, nhất là trong tình hình dịch bệnh.

Với những hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh với mức cao nhất theo quy định của pháp luật", ông Hòa nêu.

Vị ĐBQH này cũng nêu ý kiến, để không xảy ra tình trạng tương tự như ở CDC Hà Nội thì việc minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong quá trình chỉ định thầu, mua sắm trang thiết bị là rất quan trọng.

"Một điều quan trọng không kém chính là phải lựa chọn, phân công, bố trí giáo dục cán bộ làm việc này phải thực sự có trách nhiệm, vì nước, vì dân. Chỉ khi nào có con người tốt mọi việc mới tốt, còn con người xấu chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tiêu cực", ông Hòa nói thêm.

Những cá nhân sai phạm cần bị trừng trị nghiêm khắc và thích đáng

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, xét dưới góc độ đạo đức hay pháp luật thì hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi đều bị cả xã hội lên án.

Do đó, việc Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị, máy xét nghiệm COVID-19 cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực.

"Trong khi toàn xã hội đều đang đồng lòng góp sức chống dịch, phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái, thì một số cá nhân lại sinh lòng tham để trục lợi.

Ở thời điểm khó khăn khi người ta kêu gọi sự hy sinh lợi ích bản thân anh lại đi ngược lại, trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”. Những cá nhân có hành vi sai phạm cần bị trừng trị nghiêm khắc và thích đáng", ông Nhưỡng nói và đề nghị, từ vụ việc ở CDC Hà Nội, cần có sự rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trên cả nước trong việc đấu thầu, mua sắm các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch.

Trước đó, trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện Thanh tra tỉnh đã đến làm việc và Sở đã cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc mua thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Theo vị này, Thanh tra tỉnh sẽ có kết luận theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/dbqh-thanh-tra-vao-cuoc-se-tra-loi-ro-tat-ca-lum-xum-mua-sam-may-xet-nghiem-covid-19-2020042816113175.htm)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY