Các chuyên gia y tế tham gia buổi giao lưu trực tuyến - tọa đàm để corona không còn là nỗi sợ hãi tại báo Tuổi Trẻ sáng 14 -2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những băn khoăn này đã được giải đáp thấu đáo trong chương trình tọa đàm - tư vấn trực tuyến “Để corona không còn là nỗi sợ hãi” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của các chuyên gia y tế sáng 14-2.
Nhà báo Cao Huy Thọ nêu vấn đề: trước tình hình dịch bệnh lây lan như hiện nay, liệu các chuyên gia y tế, đồng thời là phụ huynh có con nhỏ, có thực sự yên tâm cho con đi học?
Bác sĩ Âu Thanh Tùng cho biết, đây là vấn đề xã hội, có thể chia ra hai nhóm. Nhóm thứ nhất là nắm và hiểu thông tin về tính chất lây nhiễm của dịch bệnh thì cho con đi học. Nhưng họ sẽ trang bị cho con những kiến thức cần thiết, đồng thời cùng góp ý với nhà trường những biện pháp phòng tránh dịch cho các con. Nhóm thứ hai chưa được tiếp cận, tiếp cận không đủ thì lo lắng ngại cho con đi học.
"Tôi mong muốn từ cơ quan truyền thông có thể truyền đi các thông điệp để người dân an tâm. Tôi cho rằng, ngoài Vĩnh Phúc thì các tỉnh khác chưa có ca nhiễm vẫn có thể cho con đi học bình thường", bác sĩ Tùng nói. "Nhưng phải đảm bảo các điều kiện trường lớp, phụ huynh và các bé cũng phải được trang bị kiến thức để tránh lây nhiễm. Kế tiếp nên có tổ chức giám sát thực hiện đúng, và duy trì bởi dịch không chỉ một ngày một bữa", ông nhấn mạnh.
Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM trao đổi tại buổi giao lưu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa dinh dưỡng, tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - cho rằng quan trọng là khâu sàng lọc ban đầu ở các em trước đó có triệu chứng hoặc đi về từ các vùng dịch.
"Vai trò của nhà trường, phụ huynh là điều hết sức quan trọng. Ngoài sàng lọc, tại các phòng học cần phải thông thoáng khí, ở những giờ ăn trưa các cháu cần phải được rửa tay bằng xà phòng, hoặc các chai nước sát trùng là biện pháp tốt nhất nếu con đi học", bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Hạnh, nếu vì dịch mà trường yêu cầu các em học bù, không có thời gian ăn, ngủ, nghỉ là điều không nên bởi có thể gây ra sự căng thẳng về tâm lý, sức khỏe. Ngoài ra, trẻ đến trường cần phải có khăn lau mặt riêng biệt. Bởi nếu không thực hiện tốt các yếu tố này, đây có thể là nguy cơ giảm sức đề kháng với bệnh tật.
Với tâm lý của một người cha có con 3 tuổi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang nói bản thân ông cảm thấy lo lắng hiện nay không phải là con virus corona, mà là việc các bé đến trường có được ăn, uống, ngủ đầy đủ hay không? Ở trường học, phòng học có được thiết kế thông thoáng hay không?
Liên quan câu chuyện người dân đổ xô đi mua khẩu trang về đeo mọi lúc, mọi nơi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết: "Tôi thấy khá nhiều trường hợp sử dụng khẩu trang khá tùy tiện và không đúng cách. Điều này càng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh.
Bộ Y tế đã có khuyến cáo trong các trường hợp nào cần sử dụng và không cần sử dụng khẩu trang: khi không có triệu chứng đường hô hấp và không buộc tụ tập đông người thì không cần đeo khẩu trang".
Khẳng định việc đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay thường xuyên là rất cần thiết nhưng bác sĩ Âu Thanh Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y dược) cũng nhấn mạnh người dân phải làm đúng về quy cách, về mặt thời gian và khi thực sự cần thiết. Ông chia sẻ: "Với người dân ở nhà không cần thiết đeo khẩu trang, chỉ khi tiếp xúc với người có triệu chứng ho, hoặc nơi đông người hoặc người từ vùng dịch tễ mới cần đeo khẩu trang".
Nhắc lại những đối tượng cần đeo khẩu trang gồm người bệnh, tiếp xúc người bệnh và người về từ vùng dịch tễ, bác sĩ Đinh Hải Yến - Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế TP.HCM) lưu ý: "Việc đeo khẩu trang sai cách không chỉ tăng nguy cơ lây bệnh mà còn lãng phí tiền bạc. Bởi một người mỗi ngày trung bình sử dụng 3 khẩu trang và với dân số 10 triệu dân như hiện nay thì một ngày tiêu thụ đến 30 triệu khẩu trang mà chưa chắc hiệu quả, rõ ràng quá lãng phí".
Khi nào thì một người nên xét nghiệm virus corona? Bác sĩ Tùng giải thích: "Với COVID-19 chỉ khi có yếu tố dịch tễ (trở về hoặc quá cảnh từ Trung Quốc, tiếp xúc người nghi nhiễm COVID-19...) và các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở... bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phết họng làm PCR chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp".
Trước thông tin người cao tuổi dễ nhiễm virus corona so với người trẻ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang lý giải là do ở người lớn tuổi hệ miễn dịch suy yếu, có nhiều bệnh lý nền kèm theo nên dễ có nguy cơ mắc bệnh và khi bị bệnh thì dễ có các biến chứng nặng.
"Đối với người lớn tuổi bên cạnh các khuyến cáo chung về phòng bệnh COVID-19 do WHO và Bộ Y tế đưa ra, cần có chế độ sinh hoạt như tập thể dục, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống các thức ăn bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, giữ tinh thần lạc quan", bác sĩ Sang khuyến cáo.
Bác sĩ Minh Hạnh cho rằng đến nay chưa loại trừ trường hợp virus corona lây truyền qua đường tiêu hóa. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là ăn chín, uống nước chín, vệ sinh tay và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu phải ăn bên ngoài nên chọn hàng quán sạch sẽ, thức ăn bày trên cao và có che đậy. Hàng quán có vòi nước để rửa sẽ an toàn hơn những nơi bán thức ăn bên lề đường dùng chung nước trong xô, chậu.
Để tăng sức đề kháng cơ thể, cần ăn đủ chất đạm, omega-3, các vi khoáng chất như vitamin C, vitamin A, D, sắt, kẽm... chứ không chỉ riêng có vitamin C như thông tin lan truyền.
"Điều quan trọng là cần chú ý ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, hạn chế căng thẳng quá mức, tránh rượu bia, Thu*c lá. Còn nước trà gừng, sả, chanh và mật ong không thực sự nâng cao sức đề kháng vì không chứa nhiều các dưỡng chất cần cho cơ thể", bác sĩ Hạnh nói.
Riêng người cao tuổi, khả năng nhai nuốt kém, tiêu hóa hấp thu kém nên thường dễ bị thiếu dinh dưỡng, do đó nên chế biến thức ăn vừa sức nhai, có khi phải xay nhuyễn thức ăn. Ngoài ra, cần thêm vài bữa ăn phụ từ thực phẩm giàu năng lượng như sữa, sản phẩm từ sữa, sinh tố (dùng sữa xay với trái cây)...
Súc miệng nước muối, ăn tỏi sống, thảo dược có thể chống corona? Dược sĩ Hoàng Ngọc Tường Vy - Bệnh viện đa khoa Sài Gòn - nhấn mạnh: Các biện pháp trên chưa được kiểm chứng về hiệu quả chống corona. Tuy nhiên việc súc miệng với dung dịch sát khuẩn 2-3 lần/ngày có thể là một trong những biện pháp dùng để phòng ngừa các bệnh lý hô hấp do giúp diệt các tác nhân gây bệnh.
Vậy phải phòng, chống thế nào để không còn sợ virus corona? Bác sĩ Đinh Hải Yến - Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế TP.HCM - lưu ý: "Điều đầu tiên là phải bình tĩnh. Làm theo các khuyến cáo phòng bệnh chính thức từ Bộ Y tế. Phòng bệnh bằng các biện pháp không dùng Thu*c như rửa tay, giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường như xà bông, nước Javel, che mũi miệng khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang đúng cách đúng lúc...".
Làm sao tăng sức đề kháng để chống virus corona?
TTO - Những ai dễ bị lây bệnh do virus corona chủng mới? Phòng ngừa sao cho hiệu quả? Làm sao tăng sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt người cao tuổi, trước loại virus nguy hiểm này?... Các chuyên gia giải đáp trên Tuổi Trẻ Online.
Chủ đề liên quan:
bệnh viện chợ rẫy coi chừng corona Covid 19 Để virus corona không còn là nỗi sợ h đeo khẩu trang đúng cách khẩu trang không đúng lây bệnh người cao tuổi người trung quốc nguy cơ nguy cơ lây bệnh nhiễm bệnh nỗi sợ hãi sức đề kháng tăng nguy cơ tăng sức đề kháng virus corona