Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế không tác động nhiều đến người có BHYT

Theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 15/1/2019...

tăng không nhiều, khoảng 3,2% đối với khoảng cùng chi trả. Việc điều chỉnh tăng cũng là cơ sở để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)...

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Mức KCB cho đối tượng thanh toán BHYT (quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT) bao gồm: Chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT thay thế cho Thông tư 15 quy định thống nhất KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc không thay đổi các yếu tố cấu thành giá KCB như nêu trên mà điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, việc điều chỉnh lần này có tác động không nhiều đối với những người đã có thẻ BHYT. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (tỷ lệ tăng bình quân 3,23%) nên mức độ tác động không đáng kể.

Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23% của phần đồng chi trả 20%. Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở thì việc theo mức lương 1.390.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí KCB BHYT hơn khi thực hiện mức giá theo quy định trước đây.

Người dân cần tích cực tham gia BHYT để được đảm bảo về tài chính khi không may ốm đau.

Theo số liệu đánh giá của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng, việc điều chỉnh giá KCB theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng từ ngày 15/12 sẽ tác động đến CPI tháng 12/2018 tăng khoảng 0,28%. Với mức tác động này thì vẫn bảo đảm mức tăng CPI dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Về khả năng cân đối quỹ BHYT, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, do mức đóng BHYT đã thực hiện theo mức lương mới từ tháng 7 vừa qua, cho nên việc quỹ BHYT thanh toán giá dịch vụ y tế theo mức mới không bị ảnh hưởng.

Về tác động đối với các cơ sở KCB, Bộ Y tế cho hay, việc điều chỉnh giá dịch vụ góp phần bảo đảm nguồn thu cho các cơ sở y tế; các BV để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ. Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết đến nay khoảng 85% số người bệnh điều trị nội trú tại BV Bạch Mai đã có BHYT chi trả, nhưng việc điều chỉnh lần này là điều chỉnh cho đúng, nên không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Đáng chú ý, việc điều chỉnh lần này giúp các cơ sở KCB, người bệnh bớt khó khăn và nhà nước bớt phải bù lỗ. Ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, dù tăng giá hay không tăng giá dịch vụ y tế thì BV Bạch Mai luôn cải tiến chất lượng dịch vụ KCB để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Bộ Y tế cũng cho biết, đối với đối tượng không thanh toán BHYT thì giá dịch vụ y tế thực hiện theo Thông tư số 37/TT-BYT. Căn cứ mức giá tối đa của thông tư này, Bộ trưởng Y tế quyết định mức giá cụ thể của các dịch vụ KCB thực hiện tại các cơ sở KCB trực thuộc Bộ Y tế và các BV hạng đặc biệt, BV hạng một thuộc các bộ, cơ quan trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ KCB thực hiện tại các cơ sở KCB thuộc địa phương quản lý.

Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm không có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 15%, do đó Bộ Y tế khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT để hưởng nhiều quyền lợi khi KCB.

Nguyễn Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-khong-tac-dong-nhieu-den-nguoi-co-bhyt-n152056.html)
Từ khóa: bhyt

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY