Kinh tế xã hội hôm nay

Ðình chỉ hoạt động cơ sở “chữa bệnh bằng giẫm đạp” của cô Phú

Một trong những thông tin gây xôn xao dư luận thời gian qua là sự việc “cô Phú” ở phố Cò, thị xã Sông Công, Thái Nguyên có tài chữa bách bệnh bằng phương pháp...
Một trong những thông tin gây xôn xao dư luận thời gian qua là sự việc “cô Phú” ở phố Cò, thị xã Sông Công, Thái Nguyên có tài chữa bách bệnh bằng phương pháp... giẫm đạp để truyền “siêu năng lượng” lên người. Cần nhắc lại, năm 2010, bà Phạm Thị Phú thực hiện việc khám chữa bệnh không có giấy phép hành nghề y dược tư nhân được cấp có thẩm quyền cấp theo quy định, báo Sức khỏe&Đời sống đã vào cuộc điều tra và có loạt bài phản ánh vụ việc này nên UBND thị xã Sông Công đã đình chỉ hoạt động của cơ sở này. Vấn đề đặt ra là việc chữa trị kỳ quặc này lại trá hình thông qua một cơ sở tẩm quất, mỗi ngày có hàng trăm người tự nguyện tới giơ lưng ra chờ giẫm, những dịch vụ nhà trọ, cơm trọ... mọc lan ra khu vực, nhưng phải chờ đến khi dư luận, cơ quan chức năng rùm beng thì chính quyền địa phương mới “phát hiện” ra để tiếp tục đình chỉ.

Trước vụ việc này, UBND TP. Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) đã ban hành công văn về việc tạm dừng hoạt động dịch vụ tẩm quất của chủ hộ kinh doanh Ban Mai do bà Phạm Thị Phú (43 tuổi) làm chủ. Công văn số 971/UBND-VP ngày 17/9 nêu rõ, để có cơ sở kết luận, làm rõ những nội dung theo phản ánh của nhân dân và các cơ quan truyền thông, UBND TP. Sông Công yêu cầu bà Phạm Thị Phú tạm dừng hoạt động dịch vụ tẩm quất theo Giấy đăng ký kinh doanh số 17B8041715, cấp ngày 11/11/2014, trong thời gian 1 tháng kể từ ngày 18/9 đến hết ngày 18/10. UBND TP. Sông Công giao cho Phòng Y tế thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và UBND xã Vinh Sơn tiếp tục kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung phản ánh trong thời gian qua, giao UBND xã Vinh Sơn giám sát mọi hoạt động của cơ sở này. Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên yêu cầu kiểm tra việc hành nghề của “cô Phú”, tức bà Phạm Thị Phú ở Vinh Sơn, Sông Công, Thái Nguyên, nhất là việc “cô Phú” nhận chữa đủ thứ bệnh, kể cả ung thư, tâm thần, lở loét. Sở Y tế Thái Nguyên báo cáo kết quả xác minh, xử lý trước ngày 30/9/2015.

Chính quyền địa phương lúng túng

Đại diện chính quyền địa phương, bà Vũ Thị Thu Hải, Phó Chủ tịch HĐND xã Vinh Sơn cho biết, phía UBND xã có biết cơ sở này. Những năm trước, bà Phú có chữa bệnh ở phường Thắng Lợi, sau đó bị đình chỉ và vì nhiều lý do nên đã mua đất và chuyển vào xã Vinh Sơn mở cơ sở tẩm quất. Nghe nói là có giấy tờ kinh doanh tẩm quất của thành phố cấp.

Cùng quan điểm với bà Hải, ông Hà Duy Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vinh Sơn cho biết, cơ sở của bà Phú không đăng ký là cơ sở khám, chữa bệnh, vì vậy không thuộc diện quản lý của hệ thống y tế. “Do họ không khám bệnh, không bốc và bán Thu*c nên chúng tôi cũng không kiểm tra được. Họ không đăng ký về cơ sở khám chữa bệnh nên chúng tôi không thể quản lý về chuyên môn được”.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Hưng, Trưởng Công an xã Vinh Sơn thừa nhận, công an xã cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhưng cũng chỉ có thẩm quyền xem xét những trường hợp tạm trú trên địa bàn.

Để lý giải rõ hơn cho sự bất thường của một cơ sở tẩm quất mà có tới hàng trăm người mang trọng bệnh từ các tỉnh đổ về đây, chúng tôi đã đến gặp lãnh đạo TP. Sông Công. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chánh văn phòng UBND TP. Sông Công cho biết, lãnh đạo thành phố và lãnh đạo phòng y tế đi công tác, chưa thể trả lời cho báo chí và hứa sẽ thông tin sau.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc của bà Phú, ông Phạm Quang Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Sông Công cho biết, sự việc này đã được biết từ lâu, từ khi bà Phú còn hành nghề khám chữa bệnh ở phường Thắng Lợi. Phía y tế cũng đã nhắc nhở và xử lý nhiều lần, tuy nhiên sau một thời gian tạm lắng, bà Phú “rút” vào trong Vinh Sơn và hành nghề dưới hình thức kinh doanh là tẩm quất. Với hình thức kinh doanh này, cơ quan y tế cũng rất khó kiểm tra, xử lý.

Bệnh nan y vẫn vật vờ chờ... “tẩm quất”

Trên thực tế, đây là cơ sở tẩm quất nhưng thu hút hàng trăm người mắc bệnh nan y từ khắp các tỉnh thành đến... mát-xa lưng. Thôi thì đủ thứ bệnh, nào trầm cảm, tâm thần, ung thư, vô sinh... Theo lời kể của những người dân sống xung quanh, vào ngày thứ bảy, chủ nhật, ôtô đỗ đầy đường, dân các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh Lạng Sơn, thậm chí có cả người ở Vũng Tàu cũng tìm về “cô Phú”...

Vì đông khách quá, một ngày “cô Phú” giẫm hàng trăm người từ sáng tới tối không xuể, thế nên để được giẫm, nhiều người phải thuê nhà trọ ở đây hàng tuần, các dịch vụ cho thuê trọ, cơm bụi cũng được dịp ăn ké. Ngôi nhà “cô Phú” (tại phường Thắng Lợi) nằm trong một con ngõ nhỏ. Ngôi nhà này chính là nơi trước đây “cô Phú” hành nghề khám chữa bệnh (khi chưa bị đình chỉ từ năm 2012). Cạnh ngôi nhà là hai căn phòng trọ cũ, tồi tàn, lợp mái xi măng, mỗi phòng kê nhiều giường san sát nhau. Ở đây không có quạt trần, chỉ có một chiếc quạt cây để giữa phòng.

Mẹ chồng “cô Phú” cho chúng tôi biết, phòng ở đây dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Giá phòng 15.000đ/ngày/người. Không tự nấu ăn, đi ăn ngoài hoặc ai có nhu cầu thì đặt suất 20.000đ/người/bữa, bà sẽ nấu. Một người đàn ông đứng tuổi cũng chỉ cho chúng tôi nhiều địa điểm thuê trọ. Ông nói, từ khi “cô Phú” làm việc này, có nhiều nhà mở dịch vụ cho thuê phòng. Phòng dãy ít tiền cũng có hoặc nhà nghỉ 100.000đ, 200.000đ cũng có, hoặc phòng 50.000đ nếu nghỉ từ sáng tới tối rồi trả.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao một cơ sở tẩm quất ở nơi heo hút hàng ngày có đến vài trăm người tới, trong đó phần đông mắc bệnh nan y như ung thư, hen phế quản, viêm phế quản thì việc khám chữa bệnh trá hình đã khá rõ ràng, sao vẫn ngang nhiên tồn tại. Câu trả lời xin dành cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý tỉnh Thái Nguyên.

Nhóm PV

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dinh-chi-hoat-dong-co-so-chua-benh-bang-giam-dap-cua-co-phu-18064.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY