Dinh dưỡng hôm nay

Độc đáo canh Atisô hầm giò heo

Atisô có tên khoa học là Cynara Scolymus, là loại cây lá gai có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu (quanh Địa Trung Hải) đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn. Đầu thế kỷ 20, cây Atisô theo chân người Pháp di thực đến Việt Nam và được trong ở một số nơi như: Tam Đảo, Sa Pa, nhiều nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng).

Canh Atisô hầm giò heo (lợn) là món độc nhất vô nhị chỉ có ở thành phố Đà Lạt xinh đẹp

Từ xa xưa, người Đà Lạt đã biết chế biến bông tươi Atisô kết hợp với các nguyên liệu sẵn có của Đà Lạt để chế biến món ăn gần gũi, giá thành rẻ mà đem lại sức khỏe vô cùng quý cho con người: món “Canh Atisô hầm giò heo” nổi tiếng trong và ngoài nước! Cũng cần nói thêm, trong các món ăn đặc sản của Đà Lạt thì Canh Atisô hầm giò heo là món độc đáo nhất, có “tuổi thọ” lâu nhất, được nhân dân bản địa và du khách ưa thích nhất ! Bởi vậy, “Canh Atisô hầm giò heo” cùng với “Bánh ướt lòng gà” là 2 món ăn của Đà Lạt được vinh danh trong Top 100 món món ăn đặc sản tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016, do Hội Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn và công bố vào đầu năm 2017.

Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, chẳng tốn nhiều tiền và thời gian. Duy, cần tinh ý và bằng kỹ thuật khéo léo của người đầu bếp. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu; phải chọn những bông Atisô tươi mới nở (vừa mới cắt), cùi dày, cánh hoa non, mềm. Sau khi rửa sạch, cắt bỏ phần già trên từng cành hoa (phần nối giữa bông với thân), cạo sạch phần da bên ngoài và cắt từng khúc. Ở bông hoa, dùng dao bổ đôi, bổ 4…bóc bỏ phần nhụy (bên trong bông)…cho vào ngâm trong nước sạch pha muối loãng chừng 5 - 7 phút, vớt ra để cho ráo. Nguyên liệu quan trọng thứ hai để làm món canh này là xương, tốt nhất là giò heo. Giò heo phải có màu trắng, sạch (rõ nguồn gốc) sau khi chặt đều, rửa sạch, để ráo. Khi các nguyên liệu đã sẵn sàng, bắt đầu chế biến; cho xương (giò heo) vào nồi ninh chừng 30 phút đủ mềm; sau đó cho phần cành hoa Atisô (có hệ ống) vào trước vài phút, sau đó cho bông Atisô vào nồi, nêm các gia vị và ninh cho đến khi kiểm tra thấy bông Atisô chín là được.

Món canh Atisô hầm giò heo khi dùng, có thể cho thêm các loại rau mùi, rau thơm như: ngò, hành lá, tiêu hoặc ớt… Canh bông Atisô hầm giò heo khi chín có màu xanh và mềm, thơm ngon tự nhiên. Khi múc ra tô, nếu trang trí khéo sẽ là tác phẩm ẩm thực khá đẹp mắt và lôi cuốn thực khách.

Thực khách chắc chắn sẽ thấy khoái khẩu khi chậm rãi thưởng thức món canh này; mùi thơm của Atisô, cộng với mùi gia vị, rau tươi và giò heo béo ngọt hòa quyện trong từng cành hoa, bông hoa… Đây là món ăn rất mát và bổ dưỡng, sẽ “giải nhiệt” sau những ngày nắng nóng, hay mệt mỏi bởi công việc bận rộn hằng ngày…

Mạng Y Tế
Nguồn: Y dược học (https://www.ydhvn.com/news/doc-dao-canh-atiso-ham-gio-heo)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY