Tâm linh hôm nay

Đôi nét về giá trị nhân văn tôn giáo

Để góp thêm nhận định về vai trò của tôn giáo với xã hội, nhất là việc phát huy những giá trị của các tôn giáo góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chúng tôi sẽ phác họa đôi nét về giá trị nhân văn tôn giáo trên cơ sở tìm hiểu về thuật ngữ giá trị và giá trị nhân văn.

1. Giá trị

Vận dụng quan điểm Mác xít, các nhà nghiên cứu Viện Lịch sử kinh điển ở Laixích (Đức) đã nêu định nghĩa về giá trị như sau: “Giá trị giống như là điểm tích tụ về tư tưởng của một giai cấp hoặc của một chế độ xã hội nhất định. Điều đó có nghĩa là, giá trị thể hiện một cách lịch sử cụ thể các mục tiêu, quy tắc, lý tưởng về lợi ích xã hội, các yêu cầu của một chế độ xã hội và của mỗi giai cấp nhất định. Do đó, trong nhiều trường hợp, giá trị là định hướng phát triển cơ bản của đời sống tinh thần nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định” [3].

Theo định nghĩa trên thì giá trị và hệ tư tưởng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hệ tư tưởng là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó đồng thời cũng là yếu tố chủ đạo trong bảng thang giá trị của xã hội.

Nhìn chung, nhiều người thừa nhận rằng: giá trị hay giá trị tinh thần là cái dùng để chỉ các phẩm chất cao quý, là cái có ý nghĩa, được đa số người trong xã hội ao ước và cũng chia sẻ. Giá trị được cộng đồng xã hội chấp nhận và tự nguyện thực thi dựa trên sự lựa chọn và đánh giá của đa số thành viên trong cộng đồng ấy về những cái mà họ khao khát, như cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái có ích, cái trác việt..., và ngược lại là những cái họ không chờ đợi, không mong muốn, như cái sai, cái không tốt, cái xấu, cái có hại, cái tầm thường..., được xem là những phản giá trị. Vì thế, giá trị, về nguyên tắc là cái mang tính xã hội.

Giá trị là hạt nhân tinh thần liên kết cộng đồng, nó biểu hiện giống như chuẩn mực định hướng cho các thành viên trong cộng đồng thống nhất hành động. Như vậy, giá trị có khả năng điều tiết hành động của mọi người, hướng vào mục tiêu chung của toàn xã hội.

Để tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng xã hội phải thực hiện đồng thời nhiều hoạt động xã hội như: hoạt động giáo dục, hoạt động kinh tế, hoạt động chính trị... Tương ứng với mỗi lĩnh vực hoạt động xã hội có một dạng giá trị. Vì vậy, ở xã hội nào cũng hình thành một tổ hợp giá trị, các nhà Xã hội học gọi đó là bảng, hoặc hệ giá trị của xã hội.

Các thành tố của hệ giá trị cố nhiên là không ngang bằng nhau về giá trị, tức là giữa chúng có cái chính, cái phụ và cái phái sinh. Tùy theo các điều kiện xã hội - lịch sử mà mỗi cộng đồng người có thể chọn một giá trị nào đó làm định hướng. Giá trị định hướng chính là giá trị trụ cột, đóng vai trò tổ chức, chi phối đối với các giá trị khác trong hệ thống, thu hút chúng hướng vào các mục tiêu, dự án chung mà cộng đồng người đang theo đuổi [3].

Như vậy, giá trị là một khái niệm mang tính lịch sử. Nó tương đối ổn định nhưng không phải là vĩnh cửu. Giá trị mang tính xã hội, gắn bó chặt chẽ với chủ thể sinh ra nó. Với mỗi cộng đồng xã hội khác nhau sẽ có những giá trị, hệ giá trị khác nhau. Mỗi lĩnh vực hoạt động xã hội sẽ tạo ra các giá trị, hệ giá trị thuộc các thể chế khác nhau, trong đó có giá trị được sinh ra trong lĩnh vực hoạt động tôn giáo.

Trong cuốn Hán Việt tự điển của tác giả Thiều Chửu, giải thích Nhân 人 là con người, là loài có trí khôn và thông minh nhất trong các loài động vật; Văn 文 là văn vẻ; văn từ; cái dấu vết do đạo đức, lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt gọi là "văn", như văn minh, văn hóa; người nào có vẻ hòa nhã, lễ độ gọi là văn, như phong văn, tư văn… [5]. Khi ghép 2 từ này lại với nhau ta có thuật ngữ “nhân văn”. Theo đó, nhân văn, hay tính nhân văn là phẩm chất tốt đẹp, đạo đức, sáng tạo của con người. Tính nhân văn được thể hiện trong những lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lý học, mỹ học. . . Chủ thuyết nhân văn: bao gồm tất cả những cố gắng, tư tưởng và trào lưu lấy con người làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu vì sự tự do giải phóng con người, đề cao vẻ đẹp của con người, xuất phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian. Chủ trương phát triển mọi khả năng con người và xã hội.

Giá trị nhân văn là giá trị thể hiện những ý nghĩa vì con người, tôn trọng con người, giải phóng con người, phát triển và hoàn thiện con người. Hay nói cách khác, giá trị nhân văn thể hiện tư tưởng, chủ thuyết đặt con người vào vị trí trung tâm của tiến trình xã hội và hoạt động xã hội. Lấy con người làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu của sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần giải phóng con người như là mục đích tối thượng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Người khẳng định: “Bản chất của chủ nghĩa xã hội ưu việt ở chỗ "không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa” và "Chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình” [6, tr. 610].

Tóm lại, giá trị nhân văn là giá trị vì con người, lấy con người làm trung tâm để hướng tới giải phóng, phát triển và hoàn thiện con người. Các lĩnh vực hoạt động xã hội đều hướng tới các giá trị vì con người. Khi đó giá trị nhân văn được đề cập gắn với một lĩnh vực hoạt động xã hội cụ thể. Trong đó có giá trị nhân văn tôn giáo.

3. Giá trị nhân văn tôn giáo

Giá trị nhân văn tôn giáo là giá trị nhân văn được thể hiện dưới nhân sinh quan và thế giới quan của các tôn giáo.

Nếu quy chiếu nội hàm của khái niệm giá trị nhân văn vừa nêu trên vào tôn chỉ, mục đích, kinh điển, giáo lý của các tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng các tôn giáo được sinh ra, hành đạo và phát triển với mục đích không gì khác hơn là đáp ứng những tiêu chuẩn của giá trị nhân văn như: Vì con người, yêu thương, bao dung con người, khẳng định những giá trị tốt đẹp do con người xây dựng và hướng tới; giải thoát con người khỏi khổ đau, kìm kẹp, áp bức về vật chất, tinh thần; xây dựng một xã hội an lạc, toàn thiện và hạnh phúc.

Chúng ta có thể dễ dàng đưa ra những ví dụ từ kinh điển của một số tôn giáo lớn để minh chứng cho điều này.

Trong Đạo Lão, Lão Tử chú trọng cách xử thế vô tư, bao dung với mọi người: Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm. Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, đức thiện. Tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, đức tín (Nghĩa là: Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả những người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra đáng tin) [9].

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy: “Chấm dứt các việc ác. Thực hiện những hạnh lành. Giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời Phật dạy”. Hay khi nhắc đến sự đản sinh của đức Phật Thích Ca, đạo Phật thường nhắc đến tuyên ngôn bất hủ của đức Thế Tôn Thích Ca: "Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn". Nếu hiểu đó là câu nói tự tôn của Ngài thì thật là sai lầm. Cái "ngã" ở đây chính là "con người lớn" mà đức Lão Tử đã đề cập. Đó là con người đang mang cái Đạo nội tại, là bất cứ ai làm người đều là một chủ thể đáng được đề cao, suy tôn; là đối tượng cần phải chú trọng phát huy bản thể tức là khả năng tự tiến hóa và tác động vào cuộc tiến hóa của mọi người. Nói cách khác, "duy ngã độc tôn" là đầu mối duy nhất để tạo ra chân lý tự do tự chủ của con người trong trời đất. Chỉ với một câu nói đó cũng đủ xác định giá trị nhân văn của Phật giáo [10].

Đạo Khổng (hay còn gọi là Nho giáo), tính nhân văn được biểu hiện rõ nét hơn cả, đạo Khổng khiến chúng ta có cảm nhận rất gần gũi với con người trong đời sống thực tiễn. Rốt ráo nhất là lý luận về đức Nhân 仁 trong sách Luận Ngữ với các quan điểm: "Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân" (Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân); hoặc: "Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân." (Kẻ sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hi sinh tính mạng để làm điều nhân); hoặc “nhân giả ái nhân” (Kẻ có lòng nhân thì yêu thương con người); hay: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không mong muốn thì đừng áp đặt cho người khác) [11].

Nghiên cứu học thuyết nhân văn Nho giáo cổ điển, giáo sư Đỗ Duy Minh đại học Haward viết: ". . . Khổng Tử tìm thấy Đạo trong các tiềm năng nội tại của con người được định nghĩa từ góc độ vũ trụ nhân sinh luận… Sự tập trung vào tính chất quan trong hàng đầu và tính đa diện phong phú của khái niệm NHÂN 仁 trong Luận Ngữ là một biến cố vĩ đại trong vũ trụ biểu tượng của tư duy Trung Quốc thời cổ ( . . .). Niềm tin của Khổng Tử vào khả năng hoàn thiện trong bản tính nhân loại thông qua sự tự nỗ lực, như một câu trả lời cho những khuynh hướng phi nhân trong thời đại lịch sử đang bủa vây ông. Niềm tin đó hướng dẫn toàn bộ năng lực của ông vào việc chuyển hóa thế giới nhân loại từ bên trong. Thái độ tập trung này đặt căn bản trên niềm xác tín rằng giá trị tối hậu của tồn tại nhân sinh nằm kề sát bên cạnh con người và ước muốn đạt đến nhân tính sẽ dẫn đến sức mạnh cần thiết cho việc hiện thực hóa" [12].

Đạo Thiên chúa mặc dù khác hơn Nho, Thích, Lão (mà giáo thuyết được đánh giá là những học thuyết triết học hơn là tôn giáo độc thần hay đa thần), đạo Thiên Chúa vẫn có tính nhân văn rất sâu sắc: đề cao con người vì con người và Chúa là một, con người là phản ảnh của Thiên Chúa. Thánh Paul đã viết: “Anh em chẳng biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Linh, đấng ngự trong anh em sao?” Thánh Augustine viết trong tập Tự Thú: “Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên đã không gặp Chúa của lòng con”. Thánh Máthêu chép lại lời Chúa: “Thương xót. Không chỉ là làm phúc bố thí mà còn chỉ về sự hiểu biết những thiết sót của người, để ý giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn và yêu họ bất kể những thiết sót của họ. Thương xót cũng có nghĩa là cùng vui khổ với người khác” [13].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định, trong bản chất, lý tưởng của những tôn giáo chân chính chứa đựng những giá trị nhân đạo, nhân văn cao cả. Người thừa nhận: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa” [14, tr. 225].

Nếu ngày nay, qua góc độ khoa học nhân văn, một nhà nghiên cứu của đại học Haward phát biểu rằng "Khoa học nhân văn là những bộ môn nghiên cứu hàn lâm có liên quan trực tiếp và thiết thân đến việc tự phản tỉnh về bản thân (self reflexivity)", nghĩa là giúp cho, khiến cho người ta phải xem xét lại mọi quan điểm của vũ trụ - nhân sinh quan, trong đó đặt chủ thể "Con người" làm trung tâm. Thì tôn giáo học cũng có thể chứng minh các bậc giáo tổ, thánh nhân từ ngàn xưa đã dạy nhân sinh lấy phương châm "phản tỉnh nội cầu" làm chìa khóa mở đường giải thoát hay quy nguyên phản bản [12].

Như vậy, dù tồn tại dưới hình thái nào thì văn hóa tôn giáo cũng có phương tiện thể hiện như là sự “nhân hóa” tự nhiên và nhân đạo hóa xã hội. Nó thể hiện vẻ đẹp nhân tính cũng như khát khao vươn tới cái toàn thiện, hoàn mỹ của con người. Hay nói cách khác, văn hóa tôn giáo luôn thể hiện bản chất nhân đạo, nhân văn của văn hóa.

Những giá trị văn hóa tôn giáo dù rất phong phú, đa dạng, nhưng chúng đều có cùng tính chất, đó là đều thể hiện nội dung của ý thức tôn giáo. Nội dung giá trị văn hóa tôn giáo, mà cụ thể ở đây là giá trị nhân văn tôn giáo, được quy định bởi ý thức tôn giáo và đóng vai trò như phương tiện chuyển tải đức tin tôn giáo [15].

Có một điều quan trọng chúng ta cần phân biệt là: Giá trị nhân văn của các tôn giáo khác hơn chủ nghĩa nhân văn theo nghĩa triết học. Vì chủ nghĩa nhân văn đề cao con người đến mức phủ nhận Thượng Đế hay Tuyệt đối thể của vũ trụ. Còn các tôn giáo chủ trương phát huy giá trị nhân văn từ cá thể đến toàn thể đến mức hiệp nhất với Phật tính, Thượng Đế hay Bản thể vũ trụ để thúc đẩy con đường tiến hóa của chúng sinh đến tuyệt đích [12].

Như vậy, chúng ta có thể thấy, dù biểu hiện cụ thể ở những hình thức nào thì tôn giáo vẫn mang trong nó những giá trị nhân văn cao cả. Đó là lý tưởng để hiện thực hóa các mục tiêu: Vì con người, yêu thương, bao dung con người, khẳng định những giá trị tốt đẹp do con người xây dựng và hướng tới; giải thoát con người khỏi khổ đau, kìm kẹp, áp bức về vật chất, tinh thần; xây dựng một xã hội an lạc, toàn thiện và hạnh phúc. Giá trị nhân văn tôn giáo đó đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc, và sẽ tiếp túc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Yên Sơn Lê Trung Kiên

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4/2015

Chú thích:

1.Đảng Cộng sản Việt Nam (1990), Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.

2.Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo.

3.Viện Văn hóa và Phát triển (2006), Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội. 116

4.Sào Nam Phan Bội Châu (1969), Chu Dịch, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn.

5.Thiều Chửu (2002), Hán Việt tự điển, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6.Hồ Chí Minh (2013), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 11, tr. 610.

7.Đảng cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8.Đảng cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9.Nguyễn Hiến Lê (2003), Đạo gia và Đạo giáo, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

10.Thích Đức Nhuận (1971), Phật học tinh hoa - Một tổng hợp đạo lý, Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn.

11.Chu Hy (1998), Tứ Thư tập chú, người dịch Nguyễn Hữu Lân, NXB VHTT, Hà Nội.

12.Ban Biên tập Trang Website Đạo Cao Đài, Giá trị nhân văn của các đạo giáo, tại trang http://www.nhipcaugiaoly.com/, [truy cập ngày 11/11/2014].

13.Linh mục Giuse Phạm Văn Tuynh (2008), Theo Chúa Kitô, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

14.Hồ Chí Minh (2004), Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 6, tr. 225.

15.Lê Văn Lợi (2012), Văn hóa tôn giáo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

NCPH

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/doi-net-ve-gia-tri-nhan-van-ton-giao-d19026.html)

Tin cùng nội dung

  • Không chỉ làm phong phú các món ăn, quả sung với nhiều giá trị dinh dưỡng còn có tác dụng phòng chống một số loại ung thư.
  • Nghệ tây, vani, thảo quả, quế... là những gia vị có giá đắt nhất thế giới, lên đến vài ngàn USD, tương đương mấy chục triệu đồng.
  • Bộ ảnh chụp những người phụ nữ đầu không có tóc, nhưng ăn mặc thật nữ tính và trang điểm đẹp, toát lên thần thái tự tin để cho mọi người nhận thức và hiểu hơn giá trị con người, về việc đừng đánh giá con người qua vẻ bề ngoài.
  • Bằng lời lẽ tâm lý nhẹ nhàng khai thác bệnh sử, chúng tôi được biết sư bà không đồng ý cắt bỏ trọn vú trái chỉ vì một lý do đơn giản: “Trong Đạo Phật, nhà tu hành đắc đạo khi viên tịch phải còn nguyên vẹn các cơ quan bộ phận của cơ thể”.
  • Không nói dối, ăn cắp, xin lỗi khi sai, thận trọng suy xét, không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai… là những giá trị đạo đức mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng phải dạy con của mình ngay từ nhỏ.
  • “Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. ..
  • Mangyte -Món dưa muối thường ít chú ý trong bữa ăn gia đình, thật tiếc nếu ta không hiểu được giá trị đích thực của nó.
  • Được phân công học lâm sàng tại phòng 203 khoa Thần kinh - Bệnh viện E, ngoài những giờ thăm khám bệnh nhân hay nghe thầy giảng bài, chúng tôi thường nói chuyện với người nhà bệnh nhân để có thể nắm rõ hơn tình hình của từng người bệnh.
  • Có thể nói giá trị sức lao động ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị sức lao động thấp theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan chức năng là do nền kinh tế nước ta còn nghèo, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt mức trung bình...
  • Các chuyên gia ở Đại học North Carolinal Chapel Hill , Mỹ (NCH) vừa kết thúc nghiên cứu chuyên sâu ở nhóm người cao tuổi và phát hiện thấy, việc đi lễ nhà thờ, viếng thăm chùa chiền, nhất là hát các ca khúc tôn giáo có tác dụng tích cực trong việc thư giãn, làm giảm stress ở nhóm người cao niên.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY