Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch và di sản văn hóa đã luôn quan tâm, thực hiện nghiêm các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động chuyên môn. Trong đó, công tác gia đình là một nhiệm vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện bình đẳng giới.
Theo báo cáo của Sở về tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, thời gian qua công tác bình đẳng giới luôn được lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện công tác gia đình của ngành với kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Những kết quả đạt được của công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình 10 năm qua đã tác động tích cực đến nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đối với vai trò, vị trí của gia đình; tạo chuyển biến trong nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình và các lĩnh vực văn hóa, kinh tế - xã hội
Với nhiệm vụ được phân công thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, qua các năm thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và 2017-2020, ngành đã đạt được kết quả trong thực hiện các mục tiêu về: Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa gia đình, thể thao và du lịch và Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình cũng như bình đẳng giới luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Lồng ghép những nội dung về bình đẳng giới trong công tác tập huấn của Ngành, đặc biệt là công tác gia đình, tổ chức các lớp tập huấn cho cấp huyện và cơ sở. Định kỳ mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các cấp tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình, bình đẳng giới trong lĩnh vực của ngành.
Nhìn chung, công tác gia đình và bình đẳng giới luôn được các cấp, các ngành chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng nâng cao nhận thức của người dân để công tác này được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", mô hình phòng chống bạo lực gia đình, CLB "Gia đình phát triển bền vững" phát triển mạnh mẽ đã tác động và góp phần tuyên truyền, phát huy hiệu quả của bình đẳng giới trong gia đình và các lĩnh vực khác.
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, tương đối khang trang, đồng bộ, cơ bản khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các vùng, khu vực trên địa bàn.
Kết quả cụ thể so với mục tiêu đến năm 2020: Đã có 684/775 số ấp, khóm có Nhà Văn hóa, vượt 18,25%; 93/109 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, vượt 5,32%; 11/11 huyện, thị xã, thành phố thành lập Trung tâm Văn hóa – Thể thao, vượt 10%; 3/11 đơn vị xây dựng các công trình văn hóa, thể thao gắn với Liên đoàn lao động huyện, thị xã, vượt 17,27%; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có Trung tâm Văn hóa và Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi hoặc Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi; 50% đơn vị cấp tỉnh có Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động; 30% khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm Văn hóa – Thể thao phục vụ công nhân lao động.
Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Long An từng bước đi vào nề nếp. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện trong việc chấn chỉnh quản lý và tổ chức lễ hội gồm: Quán triệt nghiêm túc và triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 41- CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII); Tiến hành thống kê, rà soát các lễ hội trên địa bàn tỉnh; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của lễ hội trong việc bảo tồn và giữ gìn lễ hội truyền thống của địa phương, dân tộc đối với việc hội nhập và phát triển văn hóa địa phương; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan tăng khả năng phát triển kinh tế, quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương đến bạn bè trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc quản lý, thu, chi tiền công đức được thực hiện công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa công cộng tại nơi diễn ra lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian... đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai việc hướng dẫn các địa phương thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội - nhất là việc thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ VHTTDL. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc quán triệt, chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn hoạt động lễ hội. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức các lễ hội dân gian theo nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân; chú trọng giữ gìn và phát triển các lễ nghi truyền thống tốt đẹp; Tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh bảo tồn cảnh quan môi trường, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội gắn liền với di tích./.
Chủ đề liên quan:
bình đẳng Bình đẳng giới chiến lược chiến lược quốc gia di sản văn hóa Đời sống văn hóa đồng tháp giai đoạn nhà văn hóa quốc gia thực hiện tổ chức lễ hội tổng kết văn hóa truyền thống