Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

ĐTDĐ cùng dược phẩm là nạn nhân tiếp theo trong cuộc đối đầu Trung - Ấn

Điện thoại di động cùng dược phẩm có thể trở thành mục tiêu khi Trung Quốc và Ấn Độ đáp trả thương mại lẫn nhau thời gian tới.

Kể từ sau vụ đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng tháng trước, chính quyền New Delhi liên tục ban hành hàng loạt hạn chế thương mại - đầu tư từ quốc gia láng giềng. Hôm 30.6 họ thông báo cấm 59 ứng dụng Trung Quốc trong đó có TikTok với WeChat, một ngày sau Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkari cho biết doanh nghiệp Trung Quốc vừa và nhỏ sẽ không được tham gia các dự án xây dựng cao tốc nữa.

Giao thương giữa hai nước khá mất cân bằng: Năm 2018 Ấn Độ thâm hụt thương mại 58 tỷ USD với Trung Quốc, chính sách “Made in India” (tăng nội lực, giảm phụ thuộc bên ngoài) của Thủ tướng Narendra Modi chỉ giúp giảm thâm hụt xuống 56,77 tỷ USD năm 2019.

Truyền thông Ấn vào đầu tháng 1 đưa tin chính quyền New Delhi cân nhắc đánh thuế 300 sản phẩm trị giá 127 tỷ USD. Đến nay nước này chỉ áp đặt thuế quan lên một số mặt hàng nhôm, thép Trung Quốc và quốc gia khác.

Tuy nhiên giới phân tích nhận định trong bối cảnh căng thẳng biên giới chưa hạ nhiệt, biện pháp thuế quan lẫn phi thuế quan nhắm vào ngành công nghiệp chiến lược như hóa chất, điện tử, máy móc, dược phẩm sắp xuất hiện.

Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 14% tổng nhập khẩu của Ấn Độ năm 2019, với mặt hàng chủ lực là máy móc, thiết bị âm thanh, thiết bị cùng linh kiện TV, lò phản ứng hạt nhân. Ở chiều ngược lại xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 5,3% tổng xuất khẩu của Ấn Độ, mặt hàng xuất khẩu chính là nguyên liệu thô như hóa chất hữu cơ, khoáng thạch, ngọc trai tự nhiên, đá quý, kim loại.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm 3% tổng xuất khẩu của Trung Quốc – là thị trường lớn thứ 7.

Nhà phân tích Yu Liuqing thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Mặc dù hai nền kinh tế liên kết không quá chặt chẽ, nhưng Trung Quốc đã tích hợp vào chuỗi cung ứng linh kiện ô tô lẫn dược phẩm Ấn Độ – phía Ấn Độ lại không làm được điều ngược lại”.

Còn theo nhà phân tích EIU Ujas Shah: “Ấn Độ có ngành công nghiệp dược phẩm nội địa giá rẻ lớn mạnh, nhưng lại phụ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu Trung Quốc”.

“Nếu chính quyền New Delhi tăng thuế thì ngành dược sẽ chịu ảnh hưởng nặng. Có khả năng chính quyền Bắc Kinh cấm xuất khẩu nguyên liệu để trả đũa”, ông Shah cảnh báo.

Bên cạnh dược phẩm, hàng điện tử cũng là mục tiêu khả dĩ. Khoảng 35% hàng điện tử nhập vào Ấn Độ năm 2019 đến từ Trung Quốc.

Ông Shah đánh giá: “Điện thoại di động chiếm tỷ trọng lớn trong lượng hàng điện tử nhập khẩu nên có thể bị tăng thuế. Đặc biệt chính quyền New Delhi muốn biến nước này thành trung tâm sản xuất điện thoại di động và đã giới thiệu chính sách khuyến khích”.

Ấn Độ đổ lỗi tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại song phương cho phía Trung Quốc, cáo buộc chính quyền Bắc Kinh áp đặt rào cản đối với hàng hóa mà cường quốc Nam Á có lợi thế cạnh tranh như dược phẩm hay dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo chuyên gia quan hệ Trung - Ấn Joe Thomas Karackattu thuộc Viện công nghệ Ấn Độ (Chennai): “Trung Quốc mua rất ít hàng Ấn, lại còn luôn than phiền về chuyện giải quyết tình trạng mất cân bằng”.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/quoc-te-c-185/dtdd-cung-duoc-pham-la-nan-nhan-tiep-theo-trong-cuoc-doi-dau-trung-an-140509.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY